RỐI LOẠN LO ÂU BỆNH LÝ
Dịch từ: Sadock, B. J., & Sadock, V. A. (Eds.). (2019). Kaplan and Sadock’s pocket handbook of clinical psychiatry. Lippincott Williams & Wilkins.
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí
Rối loạn lo âu bệnh lý (illness anxiety disorder) là một chẩn đoán mới trong DSM-5, áp dụng cho những người bận tâm đến việc mình đang mắc một loại bệnh nào đó. Nó là một biến thể của rối loạn triệu chứng cơ thể (rối loạn nghi bệnh, hypochondriasis). Chẩn đoán cũng có thể được sử dụng cho những người thực sự mắc bệnh nội khoa nhưng sự lo lắng của họ quá mức và không cân xứng với chẩn đoán hiện tại và cho rằng kết quả căn bệnh của mình là xấu nhất ngoài sức tưởng.
1. Dịch tễ
Chưa biết tỷ lệ hiện mắc của rối loạn lo âu bệnh lý, ngoại trừ việc có liên quan với rối loạn nghi bệnh, một rối loạn có tỷ lệ hiện mắc từ 4% đến 6% tại các phòng khám nội tổng quát, trong khi có tới 15% dân số chung lo lắng về việc bị bệnh và mất chức năng. Không có bằng chứng cho thấy rối loạn lo âu bệnh lý phổ biến hơn trong một chủng tộc so với những chủng tộc khác hoặc giới tính, địa vị xã hội, trình độ học vấn và tình trạng hôn nhân ảnh hưởng đến chẩn đoán.
2. Bệnh nguyên
Nguyên nhân chưa rõ. Có thể áp dụng mô hình học tập xã hội vào rối loạn này với nỗi sợ mắc bệnh được xem như một đòi hỏi phải đóng vai người ốm (sick role) gặp phải các vấn đề không thể vượt qua và không thể giải quyết được. Điều này cho bệnh nhân một lối thoát, cho phép họ được miễn khỏi những trách nhiệm và nghĩa vụ thông thường.
Kiểu sợ hãi này cũng có thể là biểu tượng của những xung đột vô thức được phản chiếu thành bệnh lý mà người bệnh lo lắng về những cơ quan nhất định (ví dụ: tim, thận).
3. Chẩn đoán
Theo DSM-5, tiêu chuẩn chẩn đoán chính của rối loạn lo âu bệnh lý là bệnh nhân bận tâm cùng với niềm tin sai lệch rằng họ đã hoặc sẽ mắc một căn bệnh nghiêm trọng và có rất ít, nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng thực thể nào. Niềm tin sai lệch này phải kéo dài ít nhất 6 tháng, và không tìm thấy bệnh lý nào khi khám nội khoa hoặc thần kinh. Việc nghĩ rằng mình mắc bệnh không phải là hoang tưởng như trong rối loạn hoang tưởng hoặc đau khổ về ngoại hình (thích hợp hơn với chẩn đoán rối loạn sợ biến dạng cơ thể). Lo âu phải làm mất chức năng và gây ra cảm xúc đau khổ và gây mất khả năng hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống. Một số người mắc rối loạn này có thể đến gặp bác sĩ (loại tìm kiếm chăm sóc) trong khi những người khác có thể không (loại né tránh chăm sóc). Hầu hết bệnh nhân sẽ nhiều lần đến gặp các nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (health care providers).
4. Đặc điểm lâm sàng
Bệnh nhân tin rằng mình mắc một căn bệnh nghiêm trọng chưa chẩn đoán được và không thể thuyết phục họ theo hướng ngược lại. Bệnh nhân tin mình mắc một bệnh cụ thể nào đó hoặc theo thời gian họ chuyển niềm tin của mình sang việc mắc một bệnh khác. Niềm tin của bệnh nhân vẫn dai dẳng mặc dù kết quả xét nghiệm âm tính, diễn tiến bệnh lành tính và các bác sĩ nhiều lần khẳng định (không có bệnh). Tình trạng này làm cản trở tương tác hằng ngày của bệnh nhân với mọi người và họ thường nghiện việc tìm kiếm trên Internet về căn bệnh đáng sợ của mình.
5. Chẩn đoán phân biệt
Phải phân biệt rối loạn lo âu bệnh lý với các bệnh nội khoa khác. Những bệnh nhân này không được để ý bởi họ là “kẻ than phiền mạn tính” và không được khám nội khoa cẩn thận. Những bệnh nhân rối loạn lo âu bệnh lý phân biệt với rối loạn triệu chứng cơ thể khi họ sợ mắc một bệnh lý khác với việc nhấn mạnh vào mối bận tâm về nhiều triệu chứng trong rối loạn triệu chứng cơ thể. Bệnh nhân rối loạn lo âu bệnh lý ít than phiền về triệu chứng hơn. Rối loạn chuyển dạng thì cấp tính, thoáng qua và liên quan đến triệu chứng hơn là một bệnh cụ thể. Rối loạn đau có tính mạn tính, và giới hạn việc than phiền vào triệu chứng đau. Việc sợ mắc bệnh cũng có thể xuất hiện ở bệnh nhân rối loạn trầm cảm và lo âu. Có thể loại trừ rối loạn hoảng sợ bằng cách hỏi bệnh kỹ lưỡng nhằm phát hiện các triệu chứng của cơn hoảng sợ. Phân biệt với niềm tin có tính chất hoang tưởng bởi cường độ mãnh liệt của hoang tưởng và bởi sự có mặt của các triệu chứng loạn thần khác.
6. Diễn tiến và tiên lượng
Không có dữ liệu tin cậy về tiên lượng nhưng có thể suy ra từ diễn tiến của rối loạn triệu chứng cơ thể và các giai đoạn bệnh kéo dài hàng tháng đến hàng năm được phân cách bởi các giai đoạn im lặng kéo dài tương tự. Tiên lượng tốt liên quan đến tình trạng kinh tế xã hội tốt, lo âu hoặc trầm cảm đáp ứng điều trị, các triệu chứng khởi phát đột ngột và không có rối loạn nhân cách.
7. Điều trị
Những bệnh nhân rối loạn triệu chứng cơ thể thường không chịu điều trị tâm thần, nhưng một số người sẽ chấp thuận việc điều trị này trong hoàn cảnh phòng khám nội khoa với sự tập trung vào giảm stress và hướng dẫn cách ứng phó với bệnh mạn tính. Liệu pháp tâm lý nhóm có thể hữu ích nếu nhóm chung những bệnh nhân mắc cùng rối loạn giống nhau. Các hình thức trị liệu tâm lý khác, như trị liệu tâm lý trị liệu định hướng thấu thị cá nhân (individual insight oriented psychotherapy), trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức và thôi miên, có thể hữu ích.
Một số bệnh nhân có thể được lợi từ sự trấn an rằng họ không mắc bệnh. Số khác có thể không chịu gặp bác sĩ hoặc không chấp nhận thực tế rằng không có gì phải lo lắng (về tình trạng bệnh của mình). Chỉ nên thực hiện các thủ thuật chẩn đoán và điều trị xâm lấn khi cần thiết.
Hóa dược trị liệu có thể giúp giảm bớt lo âu, nhưng nó chỉ có tính hỗ trợ và không thể đem lại thuyên giảm lâu dài. Điều mà chỉ có thể có được từ một chương trình trị liệu tâm lý hiệu quả được bệnh nhân chấp thuận và mong muốn cũng như có thể tham gia.