RỐI LOẠN LO ÂU LAN TỎA
(GENERALIZED ANXIETY DISORDER)
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ
Tổng quan
Lo âu là gì?
Lo âu (anxiety) là từ dùng để mô tả cảm giác lo lắng, phiền muộn, sợ hãi, bận lòng hay bồn chồn, sốt ruột. Những cảm giác lo âu bình thường thường đóng vai trò như một “hệ thống báo động”, cảnh báo bạn đang nguy hiểm. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang về đến nhà và phát hiện một tên trộm trong phòng khách nhà mình. Tim bạn đập nhanh. Bàn tay bạn đổ mồ hôi. Đầu óc bạn hồi hộp. Trong hoàn cảnh này, lo âu có thể đưa đến một đáp ứng tức thì giúp bạn thoát khỏi nguy hiểm. Trong những tình huống bình thường nhưng gấp rút hơn, lo âu có thể giúp bạn có thêm năng lượng để hoàn thành công việc.
Nhưng đôi khi lo âu có thể vượt quá mức kiểm soát, làm bạn cảm giác kinh sợ và khiếp đảm mà không có nguyên nhân. Tình trạng lo âu này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Có phải có nhiều loại lo âu khác nhau?
Đúng. Lo âu là một cảm giác chung của sự lo lắng, một cơn hoảng loạn đột ngột, hay sợ hãi trước một tình huống hay đối tượng nhất định.
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?
Rối loạn lo âu lan tỏa là một lo âu tiến triển không liên quan tới một biến cố hay hoàn cảnh đặc biệt nào, hay (lo lắng) vượt quá những gì bình thường. Ví dụ, một người mắc rối loạn lo âu lan tỏa có thể liên tục lo lắng về con cái, nhưng thực tế chúng vẫn khỏe mạnh bình thường.
Khoảng 4 triệu người lớn ở Hoa Kỳ mắc rối loạn lo âu lan tỏa. Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Bệnh thường khởi phát ở những năm đầu của tuổi 20.
Triệu chứng
Làm cách nào biết được nếu tôi có rối loạn lo âu lan tỏa?
Hầu hết mọi người đôi khi đều có những lo lắng, và những lo lắng thỉnh thoảng này là bình thường. Chúng không có nghĩa rằng bạn mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa. Nếu có rối loạn lo âu lan tỏa, bạn sẽ lo lắng nhiều đến mức chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn từ ngày này qua ngày khác, và bạn cảm thấy căng thẳng và lo lắng trong suốt cả ngày. Những dấu hiệu khác của rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:
- Khó đi vào giấc ngủ hay khó duy trì giấc ngủ
- Căng cơ
- Dễ bực tức
- Khó tập trung
- Dễ mệt mỏi
- Bồn chồn, bứt rứt, hay cảm thấy căng thẳng hay bực bội
- Run (tay chân)
- Khó thở
- Tim đập nhanh
- Khô miệng
- Choáng váng, chóng mặt
- Nôn
Nếu bạn cảm thấy lo lắng, căng thẳng trong phần lớn thời gian và có một vài trong số những triệu chứng kể trên, hãy đi khám và trình bày với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ khám lâm sàng và hỏi bạn một vài câu để chắc chắn loại trừ một số nguyên nhân gây ra những triệu chứng của bạn. Đôi khi một vài loại thuốc có thể gây ra rối loạn lo âu lan tỏa. Bạn cũng có thể có những triệu chứng trên nếu bị cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), hay nếu bị trầm cảm. Tuy nhiên, khi bác sĩ không tìm ra bất kì nguyên nhân nào cho các triệu chứng của bạn, có thể bạn cần phải điều trị rối loạn lo âu lan tỏa.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những nguyên nhân nào gây ra các rối loạn lo âu?
Ví dụ rằng cái chuông báo cháy trong nhà báo sai. Bạn vội đi quanh nhà để tìm mồi lửa một cách điên cuồng. Rốt cuộc, bạn không tìm thấy đám cháy nào cả – cái chuông báo cháy chỉ là không hoạt động đúng cách.
Điều này giống với các rối loạn lo âu. Cơ thể bạn kích hoạt không đúng cách hệ thống báo động, khi không có nguy hiểm. Nguyên nhân có thể do sự mất cân bằng các chất hóa học trong cơ thể bạn. Nó cũng có thể liên quan với kí ức trong vô thức, với tác dụng phụ của thuốc hay do một bệnh lý.
Điều trị
Rối loạn lo âu lan tỏa được điều trị như thế nào?
Người có rối loạn lo âu lan tỏa phải học cách đối diện với sự lo âu và phiền muộn. Hãy đi khám và kể cho bác sĩ nghe nếu bạn nghĩ rằng mình có rối loạn lo âu. Bác sĩ có thể giúp bạn lập kế hoạch phát triển các kỹ năng để ứng phó với tình trạng lo âu của mình. Có thể bạn sẽ cần một vài tham vấn giúp tìm ra những nguyên nhân làm bạn cảm thấy căng thẳng. Bạn cũng có thể cần dùng một số thuốc giúp giảm lo âu. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo điều trị nào tốt cho bạn. Một số phương pháp dưới đây giúp bạn ứng phó với lo âu:
Kiểm soát lo lắng. Chọn một địa điểm và thời gian để giải quyết nỗi lo lắng của bạn. Thực hiện điều này hằng ngày ở cùng một thời gian và địa điểm. Dành 30 phút suy nghĩ về những lo âu của bạn và những gì bạn có thể làm đối với chúng. Cố gắng đừng chú tâm vào những gì “có thể” xảy ra. Mà hãy tập trung vào những gì đang thực sự xảy ra. Sau đó, hãy chấm dứt nỗi lo lắng và tiếp tục một ngày của bạn.
Học cách thư giãn. Có thể là thư giãn cơ, yoga, hay hít thở sâu.
Các bước hít thở sâu:
- Nằm trên một mặt phẳng.
- Đặt một tay lên bụng, ngay phía trên rốn. Đặt tay kia lên ngực.
- Hít vào chậm rãi và giữ cho phần bụng phồng lên một ít.
- Giữ hơi thở trong vài giây.
- Thở ra chậm rãi và đưa phần bụng xuống trở lại vị trí ban đầu.
Thư giãn cơ đơn giản. Bắt đầu với việc chọn một cơ và giữ căng trong vài giây. Sau đó giãn cơ. Thực hiện với tất cả các cơ hoặc một phần cơ thể bạn. Cố gắng bắt đầu với các cơ bàn chân và sau đó thực hiện khắp cơ thể.
Tập thể dục đều đặn. Người có lo âu thường không vận động, tập thể dục. Nhưng tập thể dục có thể đem lại cho bạn cảm giác khỏe khoắn và làm giảm bớt lo âu.
Ngủ đủ. Giấc ngủ làm thư giản bộ não cũng như cơ thể, và có thể đem lại cảm giác khỏe mạnh nói chung cũng như thoải mái về cảm xúc/khí sắc.
Tránh lạm dụng rượu và thuốc. Có vẻ như rượu và các chất ma túy làm bạn thư giản. Nhưng về lâu dài, chúng làm cho tình trạng lo âu tệ hơn và gây ra nhiều vấn đề khác.
Tránh caffeine. Caffeine có trong cà phê, trà, nước ngọt không có cồn và chocolate. Caffeine có thể làm tăng cảm giác lo âu của bạn bởi vì nó kích thích hệ thần kinh. Cũng cần tránh các thuốc giảm cân không kê toa, thuốc ho và thuốc cảm có chứa thành phần làm thông mũi.
Đối mặt với những gì làm bạn lo âu trong quá khứ. Bắt đầu bằng cách chỉ hình dung ra bản thân bạn phải đối mặt với những điều gì. Để thực hiện việc này, bạn có thể sử dụng sự ứng phó tưởng tượng với điều làm bạn lo lắng trước khi bạn thực sự giải quyết nó. Sau khi cảm thấy thoải mái hơn khi hình dung ra những gì bản thân mình phải đối diện, bạn có thể thực sự giáp mặt với chúng.
Nếu cảm thấy bản thân lo lắng, thực hiện một kỹ thuật thư giãn hay tập trung làm một việc đơn giản nào đó, như đếm ngược từ 100 đến 0.
Mặc dù những cảm giác lo âu làm kinh hãi, chúng không làm hại được bạn. Chia mức độ sợ hãi của bạn từ 0 đến 10 và theo dõi nó tăng hay giảm. Chú ý rằng sự sợ hãi ở mức độ rất lớn không kéo dài trong nhiều hơn vài giây. Khi sự sợ hãi đến, hãy chấp nhận nó. Chờ đợi và cho thời gian để nó chấm dứt mà không cần phải (cố gắng) thoát khỏi nó.
Dùng thuốc nếu có ích. Bác sĩ có thể kê thuốc cho bạn để làm giảm lo âu song song với việc bạn học cách ứng phó với những gì làm mình lo lắng. Có nhiều loại thuốc (chống lo âu). Bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc nào là tốt cho bạn.
Kể những lo âu của bạn với bác sĩ. Bác sĩ có thể giúp bạn lập kế hoạch đối mặt với chúng. Tham vấn tâm lý có thể giúp bạn học cách diễn đạt những nhu cầu và mong muốn của mình, từ đó có thể kiểm soát (lo âu) được nhiều hơn và giữ cho bạn bớt nóng giận và lo âu hơn.
Điều quan trọng nhất là phải hành động. Hành động giúp bạn kiểm soát thành công những lo âu quá mức của mình.
Người có rối loạn lo âu lan tỏa có thể sẽ (thuyên giảm bệnh và) khá hơn. Nếu dùng thuốc điều trị rối loạn lo âu lan tỏa, bạn có thể ngưng thuốc sau này. Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào là tốt để ngưng thuốc.
Hãy hỏi bác sĩ
- Điều trị nào là tốt nhất cho tôi?
- Tôi có nên dùng thuốc không?
- Cái gì làm tôi lo âu?
- Có những thay đổi lối sống nào tôi nên thực hiện không?
- Tôi có nên thay đổi gì trong chế độ ăn của mình?
- Loại hình tập thể dục nào sẽ có ích cho tôi?
- Làm cách nào để tôi có thể ngưng lo lắng về mọi thứ?
- Có phải tôi cũng có trầm cảm (đi kèm)?
- Có phải tôi sẽ dùng thuốc suốt đời?
- Có một nguyên nhân thực thể nào giải thích vì sao tôi bị rối loạn lo âu lan tỏa không?
Nguồn: https://familydoctor.org/condition/generalized-anxiety-disorder/
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí