Phản ứng đau thương (Grief)

PHẢN ỨNG ĐAU THƯƠNG

Đau thương (grief) là phản ứng tự nhiên khi bạn mất đi người nào đó hoặc điều gì quan trọng. Bạn sẽ có nhiều xúc cảm, như buồn hoặc cô đơn. Và bạn có thể trải nghiệm điều này bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, như mất người thân, kết thúc một mối quan hệ, hay mất việc. Những thay đổi khác trong cuộc sống, như bệnh mạn tính hoặc chuyển đến nơi ở mới, cũng có thể dẫn đến phản ứng đau thương.

Mỗi người đều phải trải qua phản ứng đau thương theo mỗi cách khác nhau. Nhưng nếu hiểu được cảm xúc của bản thân, tự chăm sóc lấy mình, và tìm sự giúp đỡ, bạn sẽ được chữa lành.

Phản ứng đau thương có những giai đoạn nào?

Cảm xúc của bạn có thể đi qua nhiều giai đoạn trước khi bạn đi đến chấp nhận nỗi mất mát của mình. Bạn không thể kiểm soát quá trình này, nhưng sẽ tốt khi hiểu được căn nguyên phía sau những cảm xúc của bản thân. Tất cả mọi người đều phải trải qua phản ứng đau thương theo những cách khác nhau. Dù không được xem là cách lý tưởng khi nghĩ về phản ứng đau thương, có thể bạn đã từng nghe nói đến các giai đoạn của phản ứng đau thương như sau:

  • Phủ nhận: Khi lần đầu tiên nhận được tin về sự mất mát, sẽ là bình thường khi nghĩ rằng, “Điều đó không xảy ra”. Bạn có thể thấy bị sốc hoặc như chết lặng. Đây là phản ứng nhất thời khi phải đối diện với cảm xúc mãnh liệt đột ngột ập đến. Nó là một cơ chế phòng vệ.
  • Giận dữ: Khi hiện thực xảy đến, bạn phải đối mặt với nỗi đau mất mát. Có thể bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng và vô dụng. Những cảm xúc này sau đó chuyển thành sự giận dữ. Bạn trút giận lên người khác, lên trời cao, hay lên tất cả cuộc đời. Việc bạn giận dỗi một người thân đã qua đời và bỏ rơi bạn một mình cũng là phản ứng tự nhiên.
  • Mặc cả: Trong giai đoạn này, bạn lặp đi lặp lại những gì mình có thể làm để ngăn không cho sự mất mát xảy ra. Những suy nghĩ thường thấy là “Giá như…” và “Giả sử…” Bạn cũng có thể cố ngã giá với một sức mạnh trên cao.
  • Trầm cảm: Nỗi buồn kéo đến khi bạn bắt đầu hiểu được sự mất mát và những hệ lụy của nó lên cuộc sống của mình. Dấu hiệu trầm cảm gồm khóc, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, và giảm cảm giác ngon miệng. Bạn cũng có thể cảm thấy bất lực, hối tiếc, và cô đơn.
  • Chấp nhận: Ở giai đoạn cuối của phản ứng đau thương, bạn chấp nhận hiện thực. Đó là điều không thể khác được. Dù vẫn còn buồn, bạn có thể bắt đầu hướng về phía trước.

Mỗi người trải qua những giai đoạn trên đây theo cách của riêng mình, có thể chuyển đổi thứ tự giữa các giai đoạn hoặc bỏ qua một hoặc nhiều hoặc tất cả các giai đoạn. Những yếu tố gợi nhắc sự mất mát, như ngày tưởng niệm người quá cố hay một bản nhạc quen thuộc, có thể làm nỗi đau thương quay trở lại.

Đau thương bao lâu là quá dài?

Không có “thời lượng bình thường” nào đối với phản ứng đau thương. Diễn tiến nỗi đau của bạn tùy thuộc vào nhiều thứ, như tính cách, tuổi tác, niềm tin và mạng lưới hỗ trợ. Nguyên nhân của sự mất mát cũng là một yếu tố. Ví dụ, nỗi đau khi đột ngột mất người thân thường kéo dài hơn và nặng nề hơn so với việc bạn chấm dứt một mối quan hệ tình cảm.

Theo thời gian, nỗi buồn sẽ vơi đi. Bạn sẽ có thể cảm nhận được hạnh phúc và niềm vui cùng với nỗi đau. Bạn sẽ có thể trở lại cuộc sống thường ngày của mình.

Tôi có cần chuyên gia giúp đỡ?

Trong một số trường hợp, phản ứng đau thương không thuyên giảm. Bạn không thể chấp nhận sự mất mát. Các bác sĩ gọi đây là “phản ứng đau thương có biến chứng”. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào dưới đây:

  • Khó duy trì công việc thường ngày của mình, như đi làm và vệ sinh nhà cửa.
  • Những cảm xúc trầm cảm.
  • Nghĩ rằng đời không đáng sống, hoặc muốn tự làm hại bản thân.
  • Không thể ngừng tự đổ lỗi, trách cứ bản thân mình.

Nhà trị liệu có thể giúp bạn khám phá ra những cảm xúc của chính mình. Họ cũng hướng dẫn bạn những kỹ năng ứng phó và giúp bạn kiểm soát phản ứng đau thương. Nếu bạn bị trầm cảm, có thể bác sĩ sẽ kê thuốc để giúp bạn tốt hơn.

Khi nỗi đau sâu sắc và mãnh liệt, nó dễ xui khiến bạn tìm cách chôn chặt những cảm xúc của mình bằng ma túy, rượu, đồ ăn, hay thậm chí là công việc. Nhưng hãy cẩn thận. Những cách trốn chạy nhất thời này không làm bạn được chữa lành sớm hơn hay cảm thấy tốt hơn về lâu về dài. Thực tế là, chúng có thể dẫn đến tình trạng nghiện, trầm cảm, lo âu, hay thậm chí suy sụp.

Thay vào đó, hãy thử làm những cách sau để giúp bạn đạt được sự chấp nhận nỗi mất mát và bắt đầu được chữa lành:

  • Dành thời gian cho bản thân. Chấp nhận những cảm xúc của mình và biết rằng phản ứng đau thương là một quá trình.
  • Thổ lộ với người khác. Hãy dành thời gian với bạn bè và gia đình. Đừng tự cô lập mình.
  • Chăm sóc bản thân. Tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, và ngủ đủ để giữ sức khỏe tốt và có nhiều sinh lực.
  • Tìm về những sở thích. Trở lại những hoạt động làm bạn vui.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ. Trò chuyện với những người cùng có phản ứng đau thương. Điều này có thể giúp bạn được kết nối nhiều hơn.

Nguồn: https://www.webmd.com/balance/normal-grieving-and-stages-of-grief#1

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí