Rối loạn sự thích ứng (Hội chứng phản ứng với stress)

RỐI LOẠN SỰ THÍCH ỨNG

(HỘI CHỨNG PHẢN ỨNG VỚI STRESS)

Rối loạn sự thích ứng (Hội chứng phản ứng với stress) là gì?

Rối loạn sự thích ứng (Hội chứng phản ứng với stress) là tình trạng ngắn hạn xảy ra khi bạn khó kiểm soát, hay khó thích ứng, với một stress cụ thể, như một thay đổi, một mất mát, hay một biến cố quan trọng trong cuộc sống. Năm 2013, hệ thống chẩn đoán bệnh tâm thần đã thay đổi tên gọi “rối loạn sự thích ứng” thành “hội chứng phản ứng với stress”.

Vì người gặp phải hội chứng phản ứng với stress thường có các triệu chứng của bệnh trầm cảm, như buồn đến phát khóc, cảm thấy tuyệt vọng, và mất quan tâm thích thú đối với công việc hay hoạt động, nên đôi khi rối loạn sự thích ứng còn được gọi là “trầm cảm do hoàn cảnh”.

Rối loạn sự thích ứng và trẩm cảm chủ yếu (major depression)

Rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress có một số triệu chứng trùng lắp với trầm cảm chủ yếu. Nhưng khác với trầm cảm chủ yếu, rối loạn sự thích ứng không có nhiều triệu chứng cơ thể và cảm xúc (như những thay đổi về giấc ngủ, cảm giác ngon miệng, và sinh lực) hay ở mức độ nghiêm trọng hơn (như suy nghĩ hoặc hành vi tự sát).

Rối loạn sự thích ứng và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress không giống như rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). PTSD là phản ứng trước một sự kiện đe dọa tính mạng, xảy ra trong vòng ít nhất 1 tháng sau sự kiện đó, và triệu chứng bệnh kéo dài hơn so với rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress. Trong khi đó, rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress hiếm khi lâu hơn 6 tháng.

Triệu chứng của rối loạn sự thích ứng (Adjustment disoder, AD)/hội chứng phản ứng với stress (Stress Response Syndrome, SRS)

Rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress làm thay đổi cảm nhận và suy nghĩ của bạn về thế giới và về bản thân mình trong thế giới ấy. Người gặp phải AD/SRS có những triệu chứng cảm xúc và/hoặc hành vi giống như phản ứng với một sự kiện gây stress. Nhìn chung những triệu chứng này khởi phát trong vòng 3 tháng sau biến cố và hiếm khi kéo dài hơn 6 tháng sau khi kết thúc biến cố hay hoàn cảnh (gây stress).

Trong rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress, phản ứng với yếu tố gây stress nặng hơn so với mức bình thương hay mức dự kiến đối với hoàn cảnh hay sự kiện ấy. Triệu chứng có thể gây ra các vấn đề về khả năng hoạt động chức của người bệnh; như khó ngủ, khó khăn trong công việc hay học tập. Có nhiều triệu chứng làm thay đổi cuộc sống thường ngày của người bệnh, gồm:

  • Cảm thấy tuyệt vọng
  • Buồn
  • Hay khóc
  • Lo âu (căng thẳng)
  • Bối rối
  • Đau đầu hay đau bụng
  • Hồi hộp đánh trống ngực
  • Cô lập hay tự cách lý mình khỏi mọi người và các hoạt động xã hội
  • Nghỉ học, nghỉ làm
  • Hành vi gây nguy hiểm hoặc phá hoại theo cách mới và khác thường, như đánh nhau, lái xe liều lĩnh, và phá hoại tài sản
  • Thay đổi cảm giác ngon miệng, gồm cả biếng ăn hoặc ăn quá mức
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Cảm giác mệt mỏi hoặc không có năng lượng
  • Sử dụng rượu hay ma túy nhiều hơn

Triệu chứng ở trẻ em và trẻ vị thành niên có tính chất liên quan đến hành vi nhiều hơn, như trốn học, đánh nhau, hoặc bắt chước/đóng vai. Trái lại, ở người lớn triệu chứng có khuynh hướng thiên về cảm xúc nhiều hơn, như buồn hoặc lo.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ AD/SRS

AD/SRS rất phổ biến và có thể ảnh hưởng lên bất cứ ai, bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc hay lối sống. Mặc dù rối loạn sự thích ứng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nó thường gặp hơn tại những thời điểm chuyển tiếp quan trọng, như tuổi dậy thì, tuổi trung niên, và tuổi già.

Các loại stress làm khởi phát rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress rất đa dạng, tùy vào từng người, nhưng thường gồm:

  • Chấm dứt một mối quan hệ hay một cuộc hôn nhân
  • Mất việc hoặc thay đổi công việc
  • Người thân qua đời
  • Bệnh hiểm nghèo (của bản thân hoặc người thân)
  • Là nạn nhân của một vụ phạm tội
  • Gặp tai nạn
  • Thay đổi quan trọng trong cuộc sống (như kết hôn, có con, hoặc nghỉ hưu)
  • Sống sót sau thảm họa, như hỏa hoạn, lũ lụt hoặc bão

Chẩn đoán AD/SRS

Nếu bạn nghi ngờ mình đang gặp phải rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress, hãy đến gặp bác sĩ. Nếu bạn có triệu chứng, bác sĩ sẽ khám và hỏi bệnh về tiền sử bệnh nội khoa và sức khỏe tâm thần của bạn. Dù không có kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hay xét nghiệm chuyên biệt nào để chẩn đoán hội chứng (phản ứng với stress), đôi lúc bác sĩ có thể dùng các xét nghiệm – như xét nghiệm máu hoặc chẩn đoán hình ảnh như CT hay MRI – để loại trừ các bệnh thực thể hay các bệnh nội khoa khác làm thay đổi cảm xúc và hành vi (như chấn thương đầu), khi chúng là nguyên nhân các triệu chứng của bạn.

Nếu nghĩ đến AD/SRS, nhiều khả năng bác sĩ sẽ chuyển bạn đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên gia tâm lý, hoặc các chuyên viên sức khỏe tâm thần khác, những người được đào tạo để giúp đỡ người bệnh gặp khó khăn khi phải đối mặt và kiểm soát những biến cố gây stress trong cuộc sống. Các chuyên gia sẽ đánh giá các bệnh lý tâm thần khác, như rối loạn stress sau sang chấn, trầm cảm chủ yếu, hoặc rối loạn lo âu.

Bác sĩ chẩn đoán rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress dựa trên tiêu chuẩn DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần):

  • Thay đổi cảm xúc và hành vi xảy ra trong vòng 3 tháng từ sau sự kiện gây stress trong cuộc sống
  • Biểu hiện mức độ stress nghiêm trọng hơn so với mức dự kiến bình thường khi phản ứng với những gì xảy ra
  • Gặp vấn đề đáng kể trong cuộc sống cá nhân và/hoặc trong công việc hoặc ở trường học
  • Các triệu chứng không liên quan đến các bệnh lý hay rối loạn tâm thần khác

Điều trị AD/SRS và chăm sóc tại nhà

Nếu bạn có các triệu chứng AD/SRS, điều quan trọng là tìm kiếm chăm sóc y tế. Đôi khi rối loạn sự thích ứng có thể chuyển thành giai đoạn trầm cảm chủ yếu ở người bệnh có nguy cơ mắc các rối loạn cảm xúc. Nếu bạn dùng rượu hay ma túy để kiểm soát stress và lo âu của mình, có thể sẽ dẫn tới vấn đề lạm dụng chất.

Điều trị AD/SRS có thể gồm có:

  • Tâm lý trị liệu hay trị liệu thông qua trò chuyện
  • Thuốc, gồm thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc giải lo âu
  • Các nhóm hỗ trợ

Bạn cũng có thể từng bước tạo nên sự hồi phục cho mình và cảm thấy tốt hơn. Hãy thử những mẹo sau:

  • Kết nối với bạn bè và gia đình.
  • Tìm kiếm những hoạt động mang lại cho bạn mục đích.
  • Ăn uống, luyện tập điều độ.
  • Ngủ đủ.
  • Học những kỹ năng ứng phó.
  • Có thái độ tích cực.
  • Ghi nhận và xây dựng những điểm mạnh của mình.
  • Đối mặt với nỗi sợ của bản thân.
  • Tìm cách giải quyết vấn đề.

Phần lớn người mắc rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress sẽ hồi phục hoàn toàn. Trên thực tế, người bệnh khi được điều trị rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress có thể học thêm những kỹ năng mới thực sự làm hoạt động chức năng của mình tốt hơn so với trước lúc bệnh.

Dự phòng AD/SRS

Hiện nay vẫn chưa biết được cách dự phòng rối loạn sự thích ứng/hội chứng phản ứng với stress. Nhưng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ gia đình và xã hội có thể chúng ta vượt qua một tình huống hay một biến cố gây stress. Cách dự phòng tốt nhất là điều trị sớm, việc này có thể dạy bạn những kỹ năng ứng phó mới, làm giảm nhẹ triệu chứng, và không để triệu chứng kéo dài.

Nguồn https://www.webmd.com/mental-health/mental-health-adjustment-disorder

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí