HỖ TRỢ NGƯỜI NGHIỆN BẰNG CÁCH NÀO
Nghiện là tình trạng nghiêm trọng. Đây là bệnh lý ảnh hưởng lên não bộ và hành vi của người bệnh. Người ta có thể nghiện nhiều thứ, gồm:
- rượu
- thuốc lá
- các chất ma túy
- cờ bạc
- ăn uống
- tình dục
Người nghiện cần điều trị. Bao gồm phục hồi, thải độc, tham vấn, các chương trình hồi phục, và/hoặc những phương thức điều trị khác. Sự hỗ trợ từ những người thân của người nghiện cũng rất quan trọng. Điều này có thể vất vả, nhưng có những việc bạn có thể làm để giúp đỡ người thân của mình.
Phương pháp nâng cao sức khỏe
Dưới đây là những cách bạn có thể làm để trợ giúp cho người nghiện.
- Học hỏi. Hỏi bác sĩ về sức khỏe người thân của bạn. Tìm hiểu về nghiện. Học càng nhiều, bạn sẽ càng hiểu biết nhiều hơn về tình trạng nghiện và có khả năng giúp đỡ.
- Vạch ranh giới. Điều quan trọng là bạn và người thân phải định ra những giới hạn. Điều này có thể giúp điều trị và phòng tái nghiện. Những giới hạn cũng bảo vệ bạn khỏi tổn thương về cảm xúc và thân thể.
- Không trao quyền. Khi bạn trao quyền cho người nghiện, bạn cho phép họ bóp méo hoặc phá vỡ những giới hạn mà bạn đã thống nhất từ trước đó. Ví dụ như cho họ mượn tiền, nói dối vì họ, bảo lãnh họ ra khỏi trại giam, vẫn chấp nhận khi họ sử dụng hoặc lạm dụng trở lại. Sự trao quyền phá vỡ giới hạn này làm tổn thương đến bạn, người thân và mối quan hệ của bạn.
- Tránh yếu tố khởi phát. Cảnh giác với những gì có thể làm khởi phát tình trạng nghiện của người thân của bạn và cố gắng ngăn cản những yếu tố khởi phát này. Ví dụ, không uống bia rượu hay đến những nơi dễ tìm thấy bia rượu. Đối với nghiện ăn uống, đừng lên lịch ăn tối tại một bữa tiệc buffet mà “bạn có thể ăn mọi thứ”.
- Chú ý và lắng nghe. Có thể người nghiện rất cần được chú ý đến. Hãy lắng nghe và đừng phán xét những cảm xúc của họ. Hãy để mắt đến họ để theo dõi những dấu hiện lạm dụng hoặc tái nghiện. Tuy nhiên, đừng để họ lạm dụng nhu cầu này hay làm tốn quá nhiều thời gian của bạn; những nhu cầu của bạn vẫn là quan trọng.
- Giữ bình tĩnh. Việc hỗ trợ người nghiện có thể khó khăn và gây bực dọc. Bạn sẽ nhiều lần phát điên vì họ. Cố gắng biểu lộ cảm xúc của mình theo cách trực tiếp, bình tĩnh. Tránh lớn giọng, đe dọa họ, hoặc phán xét. Hãy nói với người nghiện về sự quan tâm của bạn và sức khỏe của họ. Hướng đến tương lai, đừng tập trung vào quá khứ.
- Tôn trọng và khen ngợi. Hỗ trợ người nghiện đã khó, vượt qua được tình trạng nghiện là rất khó. Hãy tôn trọng những phương thức điều trị mà người thân của bạn đã chọn. Ví dụ, họ có thể cần nhập viện để phục hồi trong vòng 1 tháng hoặc hơn. Hoặc họ quyết định tham gia vào một nhóm hỗ trợ hằng đêm. Tìm cách khen thưởng nỗ lực của họ và bất cứ thành quả nào mà họ đạt được.
- Thử làm những điều mới mẻ. Tìm những hoạt động mà bạn và người thân có thể làm thay cho việc nghiện một cái gì đó. Ví dụ như tập thể dục, nấu ăn, vẽ, đi du lịch hoặc thiền định.
Suy ngẫm
Bạn có thể khuyến khích người nghiện điều trị, nhưng không thể bắt buộc họ. Sau cùng, đó vẫn là quyết định của người nghiện. Bạn có thể khuyên người thân đến gặp bác sĩ để thảo luận về các lựa chọn điều trị.
Hãy nhớ rằng đối với nhiều người nghiện, sự hồi phục là một quá trình kéo dài suốt đời. Có thể nhiều thứ sẽ tốt lên theo thời gian, nhưng vẫn luôn có khả năng tái nghiện. Trong khi hỗ trợ cho người thân, bạn đừng quên những nhu cầu của chính mình. Nhận sự hỗ trợ hoặc tham vấn cũng có thể giúp ích cho bạn. Yêu cầu bác sĩ giúp đỡ bạn, con cái, hoặc cả gia đình bạn.
Hãy hỏi bác sĩ
- Tôi có thể hỗ trợ người nghiện bằng cách nào?
- Có phải có những việc nhất định tôi không nên làm?
- Tôi nên làm gì nếu người thân của mình tái nghiện?
- Tôi nên làm gì nếu người thân của mình bạo lực với họ hoặc người khác?
Thông tin này đem lại một cái nhìn tổng quát nói chung và có thể không áp dụng được cho tất cả mọi người. Hãy hỏi bác sĩ để xác định thông tin này có áp dụng được với bạn hay không và nhận thêm thông tin về chủ đề này.
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ
https://familydoctor.org/how-to-support-an-addict/
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí