Thảo luận với bác sĩ về sức khỏe tâm thần của bạn

THẢO LUẬN VỚI BÁC SĨ VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA BẠN

Có thể khó nói về bệnh tâm thần. Vẫn còn sự kì thị xung quanh vấn đề sức khỏe và bệnh lý tâm thần. Điều này ngăn cản người bệnh nhận sự hỗ trợ và giúp đỡ mà họ cần. Nhưng bệnh tâm thần là một vấn đề thường gặp. Trên thực tế, cứ 5 người sẽ có 1 người trải qua một số bệnh lý tâm thần trong suốt cuộc đời mình. Do đó, đừng ngại tìm đến sự giúp đỡ. Bác sĩ gia đình của bạn là nơi khởi đầu tốt.

Đối với một số người, nghĩ đến việc nói với bác sĩ về sức khỏe tâm thần của mình là điều thật kinh khủng. Nhưng việc chấp nhận điều trị bệnh tâm thần rất quan trọng. Bệnh hiếm khi tự khỏi. Nếu để không trị, bệnh có thể nặng hơn, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác, hoặc kéo dài. Quyết định nói với bác sĩ về sức khỏe tâm thần của bạn là bước đầu tiên trong hành trình đi đến cảm nhận tốt hơn.

Tôi có cần gặp bác sĩ?

Mỗi một bệnh lý tâm thần có những triệu chứng riêng. Nhưng có những dấu hiệu phổ biến có thể cảnh báo rằng đang có gì đó không ổn. Bao gồm:

  • Mất cảm giác ngon miệng.
  • Suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
  • Thường xuyên cảm thấy lo lắng hay bận tâm nhiều.
  • Cáu gắt hoặc buồn bã.
  • Khó tập trung.
  • Không còn yêu thích cuộc sống như bạn đã từng.
  • Nhận thấy khó khăn trong cuộc sống thường ngày (ra khỏi giường, đi làm, vân vân).
  • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Nhìn thấy hoặc nghe thấy những thứ không có thật.

Nếu nhận thấy có bất cứ sự thay đổi nào trên đây kéo dài vài tuần hoặc hàng tháng, bạn nên nghĩ đến việc hẹn gặp bác sĩ.

Bác sĩ sẽ làm gì cho tôi?

Có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái khi nói với bác sĩ về các vấn đề tâm thần hay cảm xúc mà mình đang gặp phải. Nhưng bác sĩ có thể giúp bạn. Họ có thể:

  • Hỏi về những suy nghĩ và cảm xúc của bạn để giúp bạn hiểu hơn về việc mình đang gặp phải chuyện gì.
  • Trấn an rằng bạn không “điên”, mà là bạn đang có vấn đề về bệnh nội khoa.
  • Cho bạn biết những cách hỗ trợ hiện có, như tham vấn.
  • Kê thuốc cho bạn, nếu cần thiết.
  • Cho lời khuyên về những thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của bạn, như tập thể dục.
  • Chuyển bạn đến bác sĩ chuyên khoa, nếu điều đó tốt hơn với bạn.
  • Hẹn gặp bạn để theo dõi bạn hiện đang như thế nào và đáp ứng ra sao với điều trị.

Phương pháp nâng cao sức khỏe

Đôi khi thật khó bắt đầu cuộc trò chuyện với bác sĩ về sức khỏe tâm thần của bạn. Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích cho bạn trước, trong và sau khi hẹn gặp bác sĩ.

Trước cuộc hẹn

1. Đặt mục tiêu phù hợp cho cuộc hẹn. Chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần cần thời gian. Nếu bạn đặt mục tiêu phải khỏi triệu chứng ngay lập tức, nhiều khả năng bạn sẽ không đạt được. Thay vào đó hãy đề ra những mục tiêu hợp lý. Bao gồm việc giải thích triệu chứng với bác sĩ của bạn, tìm hiểu chẩn đoán có khả năng, và bắt đầu kế hoạch điều trị.

2. Viết ra thông tin quan trọng. Dành thời gian trước cuộc hẹn để viết ra những gì bạn định nói. Việc này giúp bạn chắc rằng mình không quên bất cứ điều gì khi đến phòng khám bác sĩ. Vài thứ bạn có thể viết ra gồm:

  • Triệu chứng của bạn. Đó có thể là những thay đổi cơ thể, tâm thần, cảm xúc, hoặc hành vi mà bạn nhận thấy trong cuộc sống của mình.
  • Cảm xúc ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống hằng ngày của bạn.
  • Thông tin cá nhân quan trọng, như những sự kiện gây sang chấn trong quá khứ, hoặc những tình huống stress hiện tại bạn đang đối mặt.
  • Thông tin y khoa của bạn, như bệnh cơ thể hoặc bệnh tâm thần khác bạn mắc phải gần đây. Cũng nên viết ra tất cả thuốc bạn đang dùng, gồm thuốc không kê toa và thuốc bổ có nguồn gốc thảo dược.
  • Những câu bạn muốn hỏi bác sĩ.

Bạn có thể sử dụng Bảng kiểm Bắt đầu Giao tiếp (Start the Conversation Checklist) ở thời điểm bắt đầu. Chỉ cần in ra, điền thông tin trước cuộc hẹn, và mang theo nó. Bạn có thể đưa nó cho bác sĩ đọc, hoặc dùng nó như một nguồn đối chiếu khi nói về những triệu chứng của mình.

Trong cuộc hẹn

3. Nói rõ mối bận tâm của bạn. Kể cho bác sĩ tất cả triệu chứng là điều quan trọng. Nhưng trước khi làm điều đó, hãy cho bác sĩ biết điều gì bạn cho rằng có thể đang không ổn. Dùng cách nói rõ ràng như “Tôi nghĩ mình có thể trầm cảm”, hoặc “tôi đang gặp vấn đề với lo âu”. Điều này giúp định hướng và để bác sĩ biết hướng đi tiếp theo là gì.

4. Cởi mở và thành thật hết mức có thể. Bác sĩ không thể giúp được bạn nếu họ không biết tất cả mọi chuyện đang xảy ra. Thật khó để cởi mở nói ra những cảm nhận của mình, nhất là với người mà bạn không biết rõ lắm. Nhưng bác sĩ là người được đào tạo để đối diện với những vấn đề nhạy cảm. Họ sẽ đồng cảm và chuyên nghiệp, và không có chuyện gì bạn kể mà các bác sĩ chưa từng nghe trước đó.

5. Đối chiếu với ghi chép của bạn. Bạn sẽ thường quên một nửa những gì mình định nói khi đến phòng khám bác sĩ. Đó là lý do vì sao việc viết ra từ trước rất quan trọng. Nếu dùng những ghi chép mà bạn chuẩn bị trước đó, bạn sẽ không phải lo lắng mình quên những chi tiết quan trọng.

6. Hiều về quá trình chẩn đoán. Không có xét nghiệm nào cho biết bạn có trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, hoặc các bệnh lý tâm thần khác hay không. Đôi lúc, bác sĩ khó có thể chỉ ra bệnh lý cụ thể mà bạn gặp phải. Thêm nữa, bạn có thể có nhiều bệnh kết hợp gây ra các triệu chứng. Ví dụ, trầm cảm và lo âu cùng đồng thời xảy ra. Rối loạn lưỡng cực có cùng những triệu chứng với trầm cảm. Và trầm cảm thường đi kèm với các bệnh cơ thể như bệnh tim, đái tháo đường, hoặc ung thư. Bác sĩ có thể sẽ hỏi những câu dường như không liên quan đến bệnh tâm thần. Đó tất cả đều là cố gắng đảm bảo rằng bác sĩ đưa ra chẩn đoán đúng.

7. Đi khám bệnh cùng với ai đó. Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy nhờ bạn bè hoặc người thân đi cùng với bạn đến cuộc hẹn. Họ có thể giúp bạn nhớ và hiểu những gì bác sĩ nói. Họ cũng có thể nói với bác sĩ về những thay đổi ở bạn mà họ nhận thấy.

Sau cuộc hẹn

8. Theo hết quá trình điều trị. Sau khi bạn chia sẻ mối bận tâm của mình và bác sĩ đưa ra chẩn đoán, bạn sẽ cùng với bác sĩ bước vào kế hoạch điều trị. Có thể bao gồm trị liệu thông qua trò chuyện, thuốc, thay đổi lối sống, hoặc chuyển đến bác sĩ chuyên khoa. Việc của bạn là theo hết quá trình điều trị. Đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa hay nhà trị liệu. Nhận toa thuốc và dùng thuốc đúng cách. Thử thay đổi lối sống, ngay cả khi bạn cảm thấy không thích nó.

9. Theo sát bác sĩ. Bác sĩ sẽ muốn gặp lại bạn trong vài tuần kế tiếp để kiểm tra xem điều trị có tác dụng không. Điều quan trọng là bạn cần đặt lịch hẹn và tái khám, dù cho bạn có cảm thấy tốt hơn hay không. Nếu không thấy cải thiện, bác sĩ có thể có những cách điều trị khác cho bạn. Bao gồm đổi thuốc, thêm thuốc, hoặc đề nghị một phương pháp điều trị khác.

10. Kiên nhẫn. Điều quan trọng là bạn cần kiên nhẫn với bản thân và với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. Có thể bạn phải chuyển sang dùng thuốc khác hoặc kết hợp thuốc. Bạn có thể cần trị liệu thông qua trò chuyện và phối hợp với chiến lược tự chăm sóc. Việc tìm kế hoạch điều trị phù hợp với bạn có thể tốn thời gian. Chỉ cần đừng bỏ cuộc. Bạn sẽ thấy tốt hơn miễn là bạn vẫn cố gắng tìm giải pháp.

Suy ngẫm

Gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể sẽ ảnh hưởng đến bạn theo nhiều cách. Nó làm cho mọi thứ dường như khó khăn hơn, và bạn khó có thể nhận được sự trợ giúp. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung của bạn. Điều này làm bạn khó trò chuyện với bác sĩ và khó nhớ những gì bác sĩ nói. Đó là lý do tại sao việc bạn viết ra trước khi đến gặp bác sĩ rất quan trọng. Cũng là một ý hay khi ghi lại những gì bác sĩ nói trong cuộc hẹn để giúp bạn không quên sau đó. Hoặc đi cùng với bạn bè hay người thân đến gặp bác sĩ. Có thể bạn phải nhờ người khác giúp đạt được sự hỗ trợ cần thiết. Đó là điều bình thường. Quan trọng nhất là việc này giúp bạn nhận được hỗ trợ.

Hãy hỏi bác sĩ

  • Tôi có thể gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần nào?
  • Vì sao tôi không thể tự mình vượt qua vấn đề này?
  • Bác sĩ điều trị vấn đề này bằng cách nào?
  • Tham vấn hoặc tâm lý trị liệu có giúp ích?
  • Có thuốc nào hỗ trợ không?
  • Điều trị kéo dài bao lâu?
  • Tôi có thể làm gì ở nhà để tự giúp mình?
  • Có sách/tờ rơi hoặc tài liệu nào khác về căn bệnh mà tôi gặp phải hay không?

Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ

https://familydoctor.org/talking-to-your-doctor-about-your-mental-health/

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí