Rối loạn stress sau sang chấn

RỐI LOẠN STRESS SAU SANG CHẤN

Rối loạn stress sau sang chấn là gì?

Rối loạn stress sau sang chấn (post-traumatic stress disorder, PTSD) là một vấn đề sức khỏe tâm thần. Nó ảnh hưởng đến cảm xúc và hoạt động hằng ngày của bạn. Người mắc chứng PTSD khó ứng phó và khó hồi phục từ những sự kiện gây sang chấn. Bạn có thể bị PTSD cấp tính, hay ngắn hạn, nghĩa là PTSD kéo dài trong khoảng vài tháng. Hoặc cũng có thể mắc PTSD mạn tính, hay dài hạn, nghĩa là PTSD kéo dài trong nhiều năm.

Triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn là gì?

PTSD có thể xuất hiện ngay sau sang chấn hoặc một thời gian sau đó. Những triệu chứng có thể gồm:

  • Hành động cáu giận hoặc bạo lực.
  • Cảm thấy lo lắng hoặc bực bội.
  • Có các cảnh hồi tưởng (flashback), ác mộng, những kí ức đau khổ, hoặc ảo giác.
  • Mất quan tâm thích thú trong cuộc sống hằng ngày.
  • Cảm thấy sợ hãi hoặc vô dụng.
  • Cảm giác chết lặng hoặc tách rời khỏi mọi thứ xung quanh.
  • Khó ngủ.
  • Không thể nhớ lại những phần nào đó trong sự kiện gây sang chấn.
  • Né tránh người hoặc vật làm gợi nhớ lại sự kiện (gây sang chấn).

Có thể bạn không nhận biết được triệu chứng hoặc không hiểu ý nghĩa của chúng. Người mắc PTSD thường trầm cảm. Đôi khi họ cố dùng rượu, ma túy hoặc hành vi bạo lực để làm mình cảm thấy tốt hơn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng nghiện và lạm dụng.

Trẻ em gặp phải PTSD có thể có những triệu chứng khác. Bao gồm:

  • Tái hiện hoặc mô tả lại sự kiện gây kinh hãi, nhất là trong lúc chơi.
  • Có tính khí giận dữ hoặc hành vi bạo lực quá mức.
  • Quên cách trò chuyện như thế nào hoặc không thể trò chuyện.
  • Trở nên lệ thuộc vào người lớn và không muốn bị bỏ rơi một mình.

Nguyên nhân nào gây ra rối loạn stress sau sang chấn?

PTSD do một hoặc một chuỗi các sự kiện gây sang chấn. (Những) sự kiện này có thể đe dọa sự an toàn và cuộc sống của bạn. Bạn có thể có nguy cơ PTSD nếu là:

  • Quân nhân, cựu chiến binh, tù nhân chiến tranh, hoặc nạn nhân chiến tranh.
  • Người sống sót sau vụ cưỡng hiếp hoặc bạo lực gia đình.
  • Người sống sót sau vụ lạm dụng hoặc bạo hành tình dục, thân thể, hoặc ngôn từ.
  • Người sống sót sau một biến cố không mong muốn, như tấn công khủng bố hoặc tai nạn xe hơi.
  • Người sống sót sau thiên tai, như cháy rừng, bão, hoặc động đất.
  • Người chịu trách nhiệm trong các sự kiện gây sang chấn, như lính cứu hỏa, cảnh sát, nhân viên cứu hộ.
  • Nạn nhân bị ngược đãi.
  • Người mắc bệnh đe dọa tính mạng.
  • Người mắc rối loạn lo âu, trầm cảm hay một bệnh tâm thần khác.
  • Người trải qua cảnh tang thương, như đột ngột mất người thân.

Chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn như thế nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán PTSD. Nếu có các triệu chứng hoặc trải qua một sự kiện gây sang chấn, hãy kể với bác sĩ. Để đủ tiêu chuẩn chẩn đoán PTSD, bạn phải có một loạt các triệu chứng trong vòng từ một tháng trở lên. Nếu các triệu chứng xuất hiện dưới một tháng, có thể bạn gặp phải rối loạn stress cấp (acute stress disorder, ASD).

Có thể phòng tránh rối loạn stress sau sang chấn được không?

Những nhóm người nhất định có nguy cơ mắc PTSD cao hơn. Trải qua một sự kiện gây sang chấn không nhất thiết là bạn sẽ mắc phải PTSD. Một vài yếu tố có thể giúp dự phòng hoặc làm giảm thấp nguy cơ PTSD. Bao gồm:

  • Trò chuyện với mọi người và tìm kiếm hỗ trợ sau sự kiện (gây sang chấn).
  • Điều trị và kiểm soát các bệnh lý trước đó hoặc vấn đề sức khỏe liên quan, như lo âu hoặc trầm cảm.
  • Học cách ứng phó với sang chấn, nhất là khi nó thường xuyên xảy ra trong công việc hằng ngày của bạn, như khi bạn là lính cứu hỏa.

Điều trị rối loạn stress sau sang chấn

Có một số lựa chọn điều trị và kiểm soát tình trạng PTSD của bạn. Chúng tùy thuộc vào loại và mức độ PTSD bạn gặp phải. Bác sĩ có thể kê thuốc để làm giảm triệu chứng. Bao gồm thuốc điều chỉnh khí sắc, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần.

Trị liệu cũng là một cách điều trị phổ biến. Các loại trị liệu bao gồm:

  • tâm lý trị liệu, hay trị liệu thông qua trò chuyện
  • liệu pháp nhận thức hành vi
  • trị liệu dựa vào các mối quan hệ
  • trị liệu bằng trò chơi
  • trị liệu bằng cách tiếp xúc
  • trị liệu nhóm

Bác sĩ hoặc nhà trị liệu có thể hướng dẫn cho bạn những kỹ thuật kiểm soát PTSD. Chăm sóc động vật, như chó, cũng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng của bạn.

Sống với rối loạn stress sau sang chấn

Chưa có cách chữa khỏi PTSD, nhưng có thể làm hết triệu chứng. Điều này tùy thuộc vào loại và mức độ bệnh của bạn. Có thể kiểm soát được PTSD bằng cách điều trị liên tục. Nếu không điều trị, bệnh có thể kéo dài và nặng hơn theo thời gian. Nó cũng có thể dẫn đến bạo lực hoặc tử vong. Tìm hiểu thêm về PTSD có thể giúp ích cho quá trình hồi phục của bạn. Hãy tìm sự giúp đỡ và các nhóm hỗ trợ trong cộng đồng của bạn.

Người mắc PTSD có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe liên quan, như:

  • lo âu
  • trầm cảm
  • rối loạn nhân cách
  • rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD)
  • lạm dụng hoặc nghiện chất

Những bệnh lý này cũng cần được điều trị. Người mắc PTSD cần lưu ý những dấu hiệu của ý định tự sát hoặc bạo hành người khác.

Hãy hỏi bác sĩ

  • Chứng PTSD của tôi sẽ biến mất?
  • Những thuốc nào điều trị PTSD, và có cần dùng chúng lâu dài hay không?
  • Loại trị liệu nào tốt nhất với tôi?
  • Tôi nên gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần hay nhà tâm lý?
  • Bác sĩ có thể giới thiệu một nhóm hỗ trợ cho người mắc PTSD được không?

 Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ

https://familydoctor.org/condition/post-traumatic-stress-disorder/

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí