SA SÚT TRÍ TUỆ
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ
Tổng quan
Não bộ lưu trữ thông tin như thế nào?
Thông tin được lưu trữ trong nhiều phần khác nhau của trí nhớ bạn. Thông tin lưu trữ trong trí nhớ tức thì có thể là những gì bạn đã ăn trong bữa sáng sáng nay. Thông tin lưu trữ trong trí nhớ ngắn hạn có thể là tên của một người bạn đã gặp lúc nãy. Thông tin lưu trữ trong trí nhớ dài hạn hay trí nhớ xa bao gồm những gì bạn lưu lại trong kí ức từ nhiều năm về trước, ví dụ như kí ức từ thời thơ ấu.
Lão hóa làm thay đổi não bộ như thế nào?
Đến những năm khoảng 20 tuổi, bạn bắt đầu mất đi một ít tế bào não. Cơ thể bạn cũng bắt đầu tạo ra ít hơn các chất hóa học mà tế bào não cần để hoạt động. Tuổi càng cao, càng có nhiều những thay đổi ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn.
Lão hóa có thể ảnh hưởng đến trí nhớ bằng cách thay đổi cách thức bộ não lưu trữ thông tin và làm cho việc gợi nhớ lại những thông tin đã lưu trữ trở nên khó khăn hơn.
Trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ xa (trí nhớ dài hạn) thường không bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa. Ví dụ, bạn có thể quên tên người bạn vừa mới gặp hôm nay hay quên nơi để chìa khóa. Đó là những thay đổi bình thường.
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là một bệnh lý của não bộ làm cho người bệnh khó khăn trong việc nhớ lại, học tập và diễn đạt. Những thay đổi này cuối cùng dẫn đến người bệnh sa sút trị tuệ gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân. Sa sút trí tuệ cũng có thể gây ra những thay đổi khí sắc/cảm xúc và nhân cách. Trong giai đoạn sớm, sự đãng trí, nhớ nhầm và suy nghĩ thiếu mạch lạc có thể gây phiền toái cho người bệnh sa sút trí tuệ. Muộn hơn, rối loạn hành vi và những vấn đề khác có thể gây ra gánh nặng cho người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình.
Sa sút trí tuệ gây ra bởi sự phá hủy các tế bào não bộ. Chấn thương đầu, đột quỵ, u não hay bệnh lý (như bệnh Alzheimer) có thể phá hủy các tế bào não bộ và dẫn tới sa sút trí tuệ.
Triệu chứng
Những triệu chứng của sa sút trí tuệ là gì?
Những triệu chứng của sa sút trí tuệ bao gồm:
- Mất trí nhớ tức thì. Thường chúng ta quên điều gì đó trong một lúc và sau đó sẽ nhớ lại. Người sa sút trí tuệ thường quên, nhưng họ không bao giờ nhớ lại được. Họ có thể hỏi bạn cùng một câu hỏi hết lần này đến lần khác, mỗi lần như vậy, họ quên rằng bạn đã trả lời câu hỏi này rồi. Thậm chí họ quên rằng mình đã từng hỏi câu hỏi đó.
- Khó thực hiện những công việc thông thường. Người sa sút trí tuệ có thể nấu ăn nhưng quên dọn dẹp. Thậm chí họ quên rằng mình đã nấu bữa ăn đó.
- Những vấn đề về ngôn ngữ. Người sa sút trí tuệ quên những từ đơn giản hoặc dùng từ sai. Điều này làm chúng ta khó hiểu họ muốn gì.
- Mất định hướng thời gian và không gian. Người sa sút trí tuệ có thể bị lạc trên chính con phố nhà mình. Họ quên đường đi đến những nơi quen thuộc và quên đường về nhà.
- Khả năng phán đoán kém. Người không có sa sút trí tuệ đôi khi cũng có những lúc lãng trí. Nhưng người sa sút trí tuệ có thể quên đi những điều đơn giản, như quên mặc áo ấm trước khi đi ra ngoài trong thời tiết lạnh.
- Những vấn đề tư duy trừu tượng. Bất cứ ai cũng có thể gặp khó khăn trong việc cân đối một cuốn sổ séc (checkbook), nhưng người sa sút trí tuệ quên cả những con số là gì và phải làm gì với chúng.
- Để đồ vật không đúng chỗ. Người sa sút trí tuệ có thể đặt đồ vật ở những nơi không đúng chỗ. Họ đặt bàn ủi và trong tủ lạnh hay đặt đồng hồ đeo tay vào trong lọ đường. Sau đó họ không thể tìm thấy những đồ vật này.
- Thay đổi cảm xúc. Mỗi người có cảm xúc trong từng thời điểm, nhưng người sa sút trí tuệ có thể dao động cảm xúc rất nhanh, từ bình tĩnh đến khóc lóc đến giận dữ chỉ trong vài phút.
- Thay đổi nhân cách. Người sa sút trí tuệ có những thay đổi nhân cách rất lớn. Họ có thể trở nên cáu gắt, ngờ vực hay sợ sệt.
- Mất tính chủ động. Người sa sút trí tuệ có thể trở nên thụ động. Họ không muốn đi đâu và không muốn gặp ai.
Điều gì xảy ra nếu tôi biết một từ nhưng không thể nhớ lại nó?
Điều này thường chỉ là một sự cố nhỏ trong trí nhớ của bạn. Gần như bạn sẽ luôn nhớ lại từ này vào lúc khác. Điều này thường trở nên phổ biến khi bạn có tuổi. Nó có thể làm bạn rất bực mình, nhưng thường không nghiêm trọng.
Nếu những vấn đề về trí nhớ của tôi trở nên nghiêm trọng, tôi có thể phát hiện bằng cách nào?
Vấn đề liên quan đến trí nhớ nghiêm trọng khi nó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Thỉnh thoảng bạn quên một vài cái tên, điều này có thể bình thường. Nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn khó khăn trong việc nhớ lại những việc trước đây bạn đã làm như thế nào, cách đi đến nơi bạn vẫn thường đến hay những việc đòi hỏi làm từng bước (như cách làm một món ăn).
Một điểm khác biệt nữa giữa các vấn đề trí nhớ bình thường và sa sút trí tuệ là sự suy giảm trí nhớ bình thường không xấu hơn đi theo thời gian. Sa sút trí tuệ thì tình trạng xấu dần sau vài tháng đến vài năm.
Có thể tự bản thân bạn sẽ khó phát hiện ra nếu bạn có một vấn đề nghiêm trọng. Hãy đi khám và kể cho bác sĩ nghe về bất cứ mối lo lắng bận tâm nào của bạn. Nếu những vấn đề trí nhớ là do một loại thuốc nào đó bạn đang dùng, bác sĩ sẽ kê thuốc khác mà không có tác dụng phụ này. Nếu một bệnh lý khác gây ra suy giảm trí nhớ (như trầm cảm), bác sĩ có thể giúp bạn điều trị bệnh.
Những vấn đề về trí nhớ không phải là một phần của tiến trình lão hóa bình thường
- Quên nhiều hơn những đồ vật mà bạn vẫn thường dùng.
- Quên cách như thế nào để làm một công việc mà bạn đã từng làm trước đây.
- Khó khăn trong việc học thêm những điều mới.
- Lặp lại các cụm từ hay các câu chuyện trong cùng một cuộc nói chuyện.
- Khó khăn trong việc đưa ra quyết định hay sử dụng tiền bạc.
- Không thể nhớ được những gì xảy ra hàng ngày.
Chẩn đoán và test
Tôi nên làm gì nếu nghĩ rằng có thể mình bị sa sút trí tuệ?
Hãy đi khám và kể với bác sĩ. Bác sĩ có thể làm các test để loại trừ những tình trạng bệnh của bạn gây ra bởi sa sút trí tuệ. Phát hiện ra càng sớm, bạn càng có thể nhanh chóng hỏi bác sĩ về những chọn lựa điều trị.
Tôi nên làm gì nếu một thành viên trong gia đình có những dấu hiệu sa sút trí tuệ
Nếu một thành viên trong gia đình bạn có một vài biểu hiện của sa sút trí tuệ, hãy cố gắng đưa họ đi khám bác sĩ. Bạn có thể đi một mình đến gặp bác sĩ trước khi đưa người thân của mình đi khám. Sau đó bạn có thể kể cho bác sĩ về biểu hiện bệnh của người thân của bạn mà không làm họ cảm thấy lúng túng.
Điều trị
Sa sút trí tuệ được điều trị như thế nào?
Một vài nguyên nhân sa sút trí tuệ có thể điều trị được. Tuy nhiên, một khi các tế bào não bị phá hủy, chúng không thể phục hồi. Điều trị làm chậm hay làm ngưng tình trạng mất tế bào não nhiều hơn. Khi nguyên nhân của sa sút trí tuệ không thể trị được, việc chăm sóc tập trung vào trợ giúp những hoạt động thường ngày của người bệnh và làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ sẽ nói với bạn về những chọn lựa điều trị.
Biến chứng
Vì sao người sa sút trí tuệ trở nên giận dữ?
Sự giận dữ có thể do nhiều nguyên nhân. Sự thay đổi đột ngột của môi trường xung quanh hay những tình trạng khó chịu có thể làm người sa sút trí tuệ trở nên tức giận. Ví dụ, cách ăn mặc hay trả lời sai câu hỏi có thể gây ra bực bội. Gặp khó khăn về tình trạng lú lẫn hay không thể làm được việc gì cũng có thể làm cho người sa sút trí tuệ trở nên giận dữ. Hậu quả là, người bệnh có thể khóc, trở nên cáu gắt, hay cố ý làm tổn thương người khác.
Tôi phải đối mặt với các vấn đề giận dữ như thế nào?
Một trong những điều quan trọng nhất bạn cần làm là tránh gây cho người thân cảm thấy bực bội, khó chịu. Cố gắng giao cho người thân của bạn những công việc ít khó khăn hơn. Ví dụ, thay vì để cho người thân tự mặc quần áo một mình, bạn có thể giúp họ mặc những bộ đồ được trang bị sẵn (như áo jacket).
Bạn cũng có thể cố gắng hạn chế những tình huống khó khăn mà người thân của mình sẽ gặp phải. Ví dụ, nếu việc tắm rửa gây ra những phiền toái, hãy để người thân của mình tắm cách ngày thay vì tắm hằng ngày. Ngoài ra, bạn có thể sắp xếp những hoạt động khó thực hiện vào những ngày mà người thân của bạn có khuynh hướng ít giận dữ hơn. Sẽ rất có ích nếu bạn thường xuyên an ủi và tránh tranh cãi với người thân của mình.
Tôi nên làm gì nếu có vấn đề về ảo giác?
Nếu các ảo giác không làm người thân của bạn sợ hãi hay lo âu, không cần làm bất kì điều gì. Tốt hơn là đừng để người sa sút trí tuệ để ý đến những ảo giác của họ. Tranh cãi chỉ làm cho người thân của bạn khó chịu.
Tuy nhiên, nếu các ảo giác làm sợ hãi hay phiền toái, bạn có thể cố gắng làm người bệnh quên nó đi bằng những hoạt động vui vẻ.
Tôi nên làm gì nếu người thân của mình mất ngủ ban đêm?
Cố gắng thực hiện một hay nhiều việc dưới đây khi người thân của bạn có vấn đề về giấc ngủ:
- Cố gắng làm người bệnh nhận thức rõ hơn bây giờ là mấy giờ. Đặt đồng hồ ở nơi mà họ có thể xem được.
- Mở màn hay rèm cửa để người bệnh có thể nhận biết được khi nào là ban ngày, khi nào là ban đêm.
- Cố gắng giúp người thân của bạn tập thể dục hằng ngày.
- Đừng để họ ngủ ngày quá nhiều.
- Cho người thân của bạn một phòng ngủ yên tĩnh. Sẽ dễ ngủ hơn trong một căn phòng yên lặng.
- Ban đêm, hãy bật đèn ngủ hay để cho đèn sáng lờ mờ. Tối đen toàn bộ có thể gây thêm sự lú lẫn.
- Nếu người bệnh có đau khớp hoặc những bệnh lý đau khác làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, hãy hỏi bác sĩ dùng thuốc giảm đau trước khi đi ngủ có được không.
Tôi nên làm gì nếu tình trạng đi lang thang trở thành một vấn đề?
Đôi khi những việc rất đơn giản có thể giúp ích trong vấn đề này. Có thể chấp nhận được việc người thân của bạn đi lang thang ở những nơi an toàn, như đi trong sân nhà có hàng rào. Bằng cách đưa ra một nơi an toàn, bạn có thể tránh mâu thẫn, xung đột. Nếu không được, hãy nhắc nhở người thân của bạn không nên đi ra khỏi cửa nhà bằng cách đặt một dấu hiệu báo ngừng lại hay đặt một đồ nội thất trước cửa. Một dải ruy-băng chắn ngang cửa có thể dùng như một nhắc nhở đơn giản. Dấu đi tay nắm cửa bằng cách treo quần áo lên đó cũng có thể giúp ích.
Một hệ thống báo động sẽ cảnh báo người thân của bạn đang cố gắng rời khỏi một khu vực nào đó. Hệ thống báo động của bạn có thể chỉ là một vài chiếc lon/hộp rỗng bằng kim loại buộc vào tay nắm cửa. Bạn có thể đặc những chiếc khóa đặc biệt ở cửa ra vào, nhưng lưu ý rằng sẽ rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nhà. Đừng dùng cách này nếu người thân của bạn ở nhà một mình. Hãy chắc rằng người thân của bạn đeo một cái vòng trên đó có ghi tên, địa chỉ và tình trạng bệnh tật, phòng trong trường hợp họ đi lạc khỏi nhà.
Hãy hỏi bác sĩ
- Sa sút trí tuệ có thể phòng được không?
- Có những nhóm hỗ trợ nào cho người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ hay không?
- Sa sút trí tuệ có tính di truyền không? Tôi có nguy cơ mắc bệnh không?
- Những loại test nào được dùng trong chẩn đoán sa sút trí tuệ?
- Người bệnh sa sút trí tuệ có thể được điều trị tốt hơn không?
Nguồn: https://familydoctor.org/condition/dementia/
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí