ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG SUY NGHĨ TỰ SÁT
Ý tưởng tự sát/tự hại gồm những suy nghĩ về việc tự làm hại hoặc tự giết mình. Tự sát là hành động tự giết mình. Tự sát có thể liên quan với trầm cảm. Ý tưởng tự sát có thể gặp ở tất cả mọi người – già trẻ trai gái – bởi một số lý do. Thường thì, ý tưởng tự sát xảy đến khi người ta đang trong cảm xúc khổ đau tột độ và không tìm thấy lối thoát. Mỗi người sẽ có những nguyên nhân đau khổ khác nhau. Tự sát thường có thể ngăn ngừa được.
Có nhiều yếu tố nguy cơ tự sát, gồm:
- Tuổi.
- Giới.
- Sức khỏe thể chất và tâm thần kém.
- Tiền sử bạo lực.
- Tiền sử gia đình có người tự sát.
- Có vũ khí trong nhà.
- Vừa được phóng thích sau một thời gian dài ở trong tù hoặc bị giam.
- Lui tới với những người nói về chủ đề tự sát hoặc khuyến khích bạn tự sát.
- Những sự kiện gây sang chấn.
Phương pháp nâng cao sức khỏe
Mặc dù dường như bạn cảm giác rằng sẽ không bao giờ ra khỏi nỗi đau của mình, những ý tưởng tự sát thường gây nên bởi một vấn đề sức khỏe có thể điều trị được. Chúng gồm những bệnh lý nội khoa như trầm cảm. Trầm cảm là một bệnh nội khoa nghiêm trọng. Bệnh làm thay đổi các chất hóa học trong não bạn. Nó ảnh hưởng đến khí sắc, suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Nó làm bạn khó khăn hoặc không thể cảm nhận được hạnh phúc, nhớ về những khoảng thời gian tốt đẹp, hay tìm ra giải pháp cho những vấn đề của mình. Nếu đã từng được điều trị trầm cảm trước đây, có thể bạn cần thêm những điều trị khác nữa để tìm ra cách chữa trị nào là có hiệu quả với mình.
Những việc bạn có thể làm khi cảm thấy đang bị trầm cảm gồm:
- Tìm sự giúp đỡ. Gọi đến Đường dây cứu trợ khẩn cấp Ngăn ngừa Tự sát Quốc gia (có ở Mỹ – ND). Bạn không đơn độc. Có thể bạn cảm thấy những người thân không quan tâm đến mình. Nhưng kì thực mọi người đều muốn giúp bạn. Hãy kể cho ai đó biết chuyện gì đang xảy ra với bạn. Gọi cho bạn bè hoặc người thân, bác sĩ, hoặc người dẫn đạo của bạn.
- Tránh những yếu tố làm bùng phát ý tưởng tự sát. Những yếu tố này khác nhau tùy vào mỗi người. Những yếu tố làm bùng phát phổ biến gồm ở một mình, uống bia rượu, và sử dụng ma túy. Hãy dành thời gian mỗi ngày với gia đình và bạn bè. Làm cho nhà bạn an toàn bằng cách loại bỏ rượu, ma túy và những thứ bạn sử dụng hay dự tính sử dụng để làm hại bản thân.
- Cho bản thân thời gian. Không nhất thiết bạn phải thực hiện theo những suy nghĩ tự sát của mình. Hãy hứa với bản thân rằng bạn sẽ cho mình thời gian để tìm sự giúp đỡ và điều trị.
- Chăm sóc sức khỏe và tinh thần của bạn. Hãy ăn uống và luyện tập theo lời khuyên của bác sĩ. Ngủ đủ. Học cách đương đầu với stress. Tìm kiếm và làm những việc mình thích. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị trầm cảm, đừng bỏ thuốc. Hãy uống thuốc đùng liều và đúng giờ.
- Đến gặp chuyên gia. Đó có thể là bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc nhà tham vấn. Đừng ngần ngại mở lòng với chuyên gia. Bạn nên kể cho họ biết những gì mình đang cảm nhận và đừng nên giấu điều gì.
Suy ngẫm
Những dấu hiệu cảnh báo tự sát gồm:
- Cảm thấy bị mắc kẹt hay tuyệt vọng. Cảm thấy như mình cần được giải thoát.
- Cảm thấy không thể chịu đựng được nỗi đau thể xác hay tinh thần.
- Tập trung vào cái chết, phút lâm chung, hay bạo lực.
- Cảm thấy gia đình và bạn bè sẽ tốt hơn nếu không có mình.
- Lập kế hoạch hay tìm cách tự giết mình.
- Cảm thấy tội lỗi hay tủi nhục.
- Sử dụng ma túy và rượu thường xuyên hơn.
- Tăng lo âu.
- Cô lập khỏi gia đình và bạn bè.
- Không còn quan tâm đến những gì bạn từng yêu thích trước đây.
- Thay đổi thói quen ăn uống và ngủ nghỉ.
- Giận dữ, cuồng loạn hay thù hằn quá mức.
- Vứt bỏ những thứ bạn từng cho là quan trọng.
- Nói tạm biệt bạn bè và gia đình.
- Viết thư, lập di chúc, hoặc sắp đặt những công việc của mình.
Hãy hỏi bác sĩ
- Trầm cảm và “tụt cảm xúc” khác nhau như thế nào?
- Có phải mọi người ai cũng từng nghĩ về việc tự sát vào lúc này hay lúc khác, dù chỉ thoáng qua?
- Có loại thuốc nào điều trị cho tôi hay không?
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ
https://familydoctor.org/depression-coping-with-suicidal-thoughts/
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí