KẾT NỐI THÂN-TÂM: CẢM XÚC ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO
Người có sức khỏe cảm xúc tốt nhận thức được suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình. Họ học được những phương cách lành mạnh để ứng phó với stress và những vấn đề vốn là một phần bình thường trong cuộc sống. Họ cảm thấy thoải mái về bản thân và có những mối quan hệ lành mạnh.
Tuy nhiên, có nhiều thứ xảy ra trong cuộc sống có thể làm rối nhiễu sức khỏe cảm xúc của bạn. Những điều này đưa đến cảm giác rất buồn, rất stress và lo âu. Dù là những thay đổi tốt hoặc theo ý muốn cũng có thể gây stress như những thay đổi không như ý. Những thay đổi này bao gồm:
- Bị đuổi việc
- Con cái rời khỏi hoặc trở về nhà
- Đối mặt với cái chết của người thân
- Ly hôn hoặc kết hôn
- Bị bệnh hoặc bị chấn thương
- Thăng chức trong công việc
- Trải qua những vấn đề liên quan đến tiền bạc
- Chuyển đến nhà mới
- Có con hoặc nhận con nuôi
Cơ thể có những phản ứng với cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Đây là một dạng “kết nối thân/tâm”. Khi bạn stress, lo âu hoặc khó chịu, cơ thể sẽ phản ứng theo cách cho bạn biết rằng có điều gì đó không đúng. Ví dụ, bạn có thể biểu hiện tăng huyết áp hoặc loét dạ dày sau một sự kiện stress đặc biệt, chẳng hạn như cái chết của người thân.
Phương pháp nâng cao sức khỏe
Có nhiều cách để bạn có thể cải thiện sức khỏe cảm xúc của mình. Trước tiên, cố gắng nhận ra những cảm xúc của mình và hiểu tại sao bạn lại cảm thấy như thế. Thu xếp giải quyết những nguyên nhân của nỗi buồn, stress, và lo âu trong cuộc sống có thể giúp bạn kiểm soát sức khỏe cảm xúc của mình. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích khác.
Bày tỏ cảm xúc đúng cách
Nếu cảm giác stress, buồn phiền, hoặc lo âu đang gây ra những vấn đề cho cơ thể, giữ trong lòng những cảm giác này có thể làm bạn thấy tệ hơn. Sẽ tốt nếu kể cho những người thân biết khi có điều gì làm bạn phiền muộn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải lúc nào gia đình và bạn bè cũng có thể giúp bạn đương đầu với những cảm xúc của mình một cách thích hợp. Những lúc đó, hãy nhờ một ai khác giúp đỡ. Thử hỏi bác sĩ gia đình, người tham vấn hoặc người dẫn đạo để được cho lời khuyên và hỗ trợ giúp bạn cải thiện sức khỏe cảm xúc.
Cân bằng cuộc sống
Tập trung vào những gì làm bạn khoan khoái trong cuộc sống. Đừng ám ảnh về những vấn đề mang lại cảm xúc tiêu cực ở nơi làm việc, ở trường, hoặc ở nhà. Điều này không có nghĩa là bạn phải giả vờ hạnh phúc trong khi đang cảm thấy stress, lo âu và phiền muộn. Việc đối mặt với những cảm xúc tiêu cực này là quan trọng, nhưng bạn cũng nên hướng đến những điều tích cực trong cuộc sống của mình. Có thể bạn cần sử dụng một cuốn nhật ký để theo dõi những gì làm mình cảm thấy hạnh phúc và an lạc. Một số nghiên cứu cho thấy có một cái nhìn tích cực có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường sức khỏe của bạn. Có thể bạn cũng cần tìm cách buông bỏ một số điều trong cuộc sống khiến mình stress và bị choáng ngợp. Hãy dành thời gian cho những thứ bạn thích.
Tăng khả năng đề kháng
Người có khả năng đề kháng có thể ứng phó với stress theo cách lành mạnh. Có thể học tập và củng cố khả năng đề kháng bằng nhiều cách khác nhau. Bao gồm hỗ trợ xã hội, giữ cách nhìn nhận tích cực về bản thân, chấp nhận sự thay đổi, và nhìn mọi việc dưới góc nhìn tổng thể. Tham vấn viên hoặc nhà trị liệu có thể giúp bạn đạt được những mục tiêu này bằng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Hãy hỏi bác sĩ rằng đó có phải là một ý kiến tốt đối với bạn hay không.
Thân tâm tĩnh lặng
Những phương pháp thư giãn, như thiền định, nghe nhạc, nghe theo băng ghi âm hướng dẫn tưởng tượng, yoga, và Thái Cực là những cách hữu ích đưa cảm xúc của bạn về cân bằng. Các video hướng dẫn tưởng tượng miễn phí cũng có sẵn trên YouTube.
Thiền định là một hình thức suy nghĩ được hướng dẫn, có thể gồm nhiều dạng. Ví dụ, bạn có thể thực hành thiền khi đang tập thể dục, tập co duỗi, hoặc hít thở sâu. Hãy hỏi lời khuyên về các phương pháp thư giãn từ bác sĩ gia đình của bạn.
Chăm sóc bản thân
Để có sức khỏe cảm xúc tốt, điều quan trọng là phải chăm sóc cơ thể bạn bằng cách ăn uống lành mạnh, điều độ hằng ngày, ngủ đủ giấc, và tập thể dục để giải phóng bớt căng thẳng bị dồn nén. Tránh ăn quá nhiều và không được lạm dụng ma túy và rượu. Sử dụng ma túy và rượu sẽ gây thêm những vấn đề khác, như các vấn đề gia đình và sức khỏe.
Suy ngẫm
Sức khỏe cảm xúc kém có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn. Điều này làm bạn dễ bị cảm và các bệnh nhiễm trùng khác hơn trong những lúc gặp khó khăn về cảm xúc. Khi đang stress, lo âu, hoặc phiền muộn, bạn cũng có thể không chăm sóc sức khỏe của mình đủ tốt. Bạn không thích tập thể dục, không thích ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, hoặc không thích uống thuốc bác sĩ kê. Bạn có thể lạm dụng rượu, thuốc lá, hoặc các chất ma túy khác. Những dấu hiệu khác của tình trạng sức khỏe cảm xúc kém gồm có:
- đau lưng
- thay đổi cảm giác ngon miệng
- đau ngực
- táo bón hoặc tiêu chảy
- khô miệng
- mệt mỏi quá mức
- căng đau toàn thân
- đau đầu
- tăng huyết áp
- mất ngủ
- choáng váng/xây xẩm
- hồi hộp (đánh trống ngực)
- các vấn đề liên quan đến tình dục
- căng cứng cổ
- vã mồ hôi
- khó chịu ở bụng/rối loạn tiêu hóa
- tăng cân hoặc sụt cân
Tại sao bác sĩ cần biết cảm xúc của tôi
Có thể bạn thường không kể cho bác sĩ về những cảm xúc và những vấn đề trong cuộc sống của mình. Nhưng hãy nhớ, không phải lúc nào bác sĩ cũng chỉ cần nhìn là biết được bạn đang stress, lo âu hoặc phiền muộn. Điều quan trọng là hãy kể thật cho bác sĩ nếu bạn đang có những cảm giác này.
Trước hết, bác sĩ cần chắc rằng những triệu chứng cơ thể của bạn không phải được gây ra bởi các vấn đề sức khỏe khác. Nếu đúng như vậy, bạn và bác sĩ có thể giải quyết nguyên nhân cảm xúc của triệu chứng. Bác sĩ có thể sẽ đưa ra những cách điều trị triệu chứng cơ thể trong lúc cùng bạn cải thiện sức khỏe cảm xúc.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Nếu những cảm xúc tiêu cực không biến mất và trầm trọng làm bạn không thể vui thích trong cuộc sống, điều đặc biệt quan trọng là hãy kể cho bác sĩ. Có thể bạn mắc chứng bệnh mà các bác sĩ gọi là “trầm cảm chủ yếu”. Trầm cảm là một bệnh lý nội khoa có thể điều trị được bằng cách tham vấn, dùng thuốc cá nhân hóa, hoặc cả hai.
Hãy hỏi bác sĩ
- Tôi có thể ứng phó tốt hơn với stress như thế nào?
- Các vấn đề sức khỏe của tôi gây stress hay ngược lại?
- Tôi không nghĩ mình đang stress, nhưng có phải cơ thể đang cho tôi biết điều đó?
- Mọi thứ trong cuộc sống đều tốt. Tại sao tôi không hạnh phúc?
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ
https://familydoctor.org/mindbody-connection-how-your-emotions-affect-your-health/
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí