THUỐC ĐIỀU TRỊ ĐAU MẠN TÍNH
Đau mạn tính là kiểu đau kéo dài. Nó có thể kéo dài từ 3 tháng đến vài năm. Đau mạn tính có thể do một bệnh lý cụ thể. Nó thường gặp hơn ở người cao tuổi.
Điều trị đau mạn tính thường gồm điều trị bằng thuốc và trị liệu. Thuốc dùng trong đau mạn tính gồm thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, và thuốc chống co giật. Các loại thuốc khác nhau giúp những người có kiểu đau khác nhau. Bạn thường dùng các thuốc tác dụng kéo dài đối với đau dai dẳng. Thuốc tác dụng ngắn điều trị đau ngắn hạn, hay cấp tính.
Phương pháp nâng cao sức khỏe
Mục tiêu điều trị đau mạn tính là làm tăng chức năng và chất lượng cuộc sống. Các loại thuốc khác nhau giúp những người có kiểu đau khác nhau. Ví dụ, các thuốc tác dụng ngắn điều trị đau thoáng qua. Các thuốc tác dụng kéo dài điều trị đau dai dẳng.
Các loại thuốc thông dụng được liệt kê bên dưới. Mỗi loại thuốc đều có những tác dụng không mong muốn. Chúng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Việc tuân theo chỉ định của bác sĩ về cách dùng thuốc giảm đau rất quan trọng. Nếu có thắc mắc về tác dụng không mong muốn hoặc về liều lượng thuốc cần dùng, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Acetaminophen
Acetaminophen có ích trong nhiều loại đau mạn tính. Một tên thuốc thương mại là Tylenol. Nó cũng có trong nhiều loại thuốc giảm đau không kê toa và thuốc kê toa. Nếu không cẩn thận, bạn có thể uống liều acetaminophen nhiều hơn liều cần thiết cho bạn. Quá liều acetaminophen có thể gây tổn thương gan, nhất là khi bạn có uống bia rượu. Hãy hỏi bác sĩ nếu bạn phải uống nhiều hơn 2 viên acetaminophen một ngày.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs)
Một nhóm thuốc khác giúp ích trong đau là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Ví dụ như aspirin, ibuprofen (2 tên thương mại: Motrin, Advil), và naproxen (1 tên thương mại: Aleve). NSAIDs gồm cả dạng thuốc không kê toa và thuốc kê toa. Những thuốc này có thể dùng thỉnh thoảng hoặc mỗi ngày. Khi dùng thuốc đều đặn, thuốc tích lũy trong máu để kháng viêm (sưng) và làm giảm đau nói chung.
Luôn dùng thuốc NSAIDs với thức ăn hoặc sữa vì hầu hết tác dụng không mong muốn của thuốc liên quan đến dạ dày. Những tác dụng không mong muốn khác gồm:
- tăng vết bầm tím
- tăng nguy cơ chảy máu dạ dày
- tổn thương thận (khi dùng kéo dài)
- tăng huyết áp
- làm ảnh hưởng đến các thuốc điều trị tăng huyết áp
Nếu bạn dùng các thuốc điều trị đau khác, đừng dùng NSAIDs mà không hỏi bác sĩ trước.
Thuốc chống trầm cảm
Nhiều thuốc điều trị các bệnh khác cũng có thể dùng trong đau mạn tính. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm có thể cải thiện chức năng và làm giảm đau. Thuốc chống trầm cảm có thể được dùng để điều trị tổn thương dây thần kinh, viêm khớp, và bệnh xơ cơ (fibromyalgia). Chúng cũng có thể giúp ích trong đau đầu, đau mặt, đau lưng, và đau vùng chậu. Có thể phải mất vài tuần thuốc mới bắt đầu có tác dụng.
Những loại thuốc chống trầm cảm bác sĩ có thể kê gồm:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCAs), như amitriptyline (Elavil), imipramine (Tofranil), nortriptyline (Pamelor), và doxepin.
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin/norepinephrine (SNRIs), như duloxetine (Cymbalta).
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs), như fluoxetine (Prozac), paroxetine (Paxil), và sertraline (Zoloft).
Tác dụng không mong muốn có thể gặp của thuốc chống trầm cảm gồm:
- buồn nôn
- ngầy ngật/lơ mơ
- mất ngủ
- khô miệng
- hoa mắt, chóng mặt
- táo bón
- tăng cân
- các vấn đề tim mạch.
TCAs thường có nhiều tác dụng không mong muốn hơn so với SNRIs hay SSRIs, nhưng thường nhẹ. Bác sĩ có thể khởi đầu với liều thấp. Việc này ngăn các tác dụng không mong muốn và để cho cơ thể bạn thích nghi. Có thể bác sĩ sẽ tăng liều theo thời gian. Nếu bạn trầm cảm hoặc có ý tưởng tự sát vào bất cứ lúc nào khi đang dùng thuốc, hãy gọi ngay cho bác sĩ.
Thuốc chống co giật
Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc chống co giật. Nó giúp làm giảm một số loại đau mạn tính, như đau lưng. Ví dụ thuốc chống co giật:
- gabapentin (Neurontin)
- carbamazepine (Tegretol)
- phenytoin (Dilantin)
- pregabalin (Lyrica)
- topiramate (Topamax).
Giống như thuốc chống trầm cảm, bác sĩ có thể khởi đầu bằng liều thấp thuốc chống co giật. Việc này giúp ngăn hoặc làm giảm tác dụng không mong muốn. bác sĩ có thể tăng liều theo thời gian. Nếu bạn có ý tưởng tự sát, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Các tác dụng không mong muốn nhẹ hơn bao gồm:
- ngầy ngật/lơ mơ
- buồn nôn hoặc nôn
- bồn chồn không yên
- hoa mắt, chóng mặt
- mất cảm giác ngon miệng
- tăng cân
- ngứa hoặc sưng
Thuốc giảm đau dạng thuốc phiện
Bác sĩ hiếm khi kê thuốc giảm đau dạng thuốc phiện trong điều trị đau mạn tính, là vì chúng dễ gây nghiện. Gần đây, có một cuộc khủng hoảng chất dạng thuốc phiện tại Hoa Kỳ. Những người nghiện có thể biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng, như tăng đau, trầm cảm, hoặc ý tưởng tự sát. Bệnh nhân có thể bắt đầu llamj dụng các chất khác hoặc có hành vi gây tổn hại hoặc bạo lực. Người nghiện có nguy cơ sử dụng sai hoặc quá liều thuốc giảm đau dạng thuốc phiện, có thể dẫn tới tử vong. Hãy thảo luận với bác sĩ về tất cả các nguy cơ của thuốc giảm đau dạng thuốc phiện trước khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới.
Nếu bác sĩ kê cho bạn thuốc giảm đau dạng thuốc phiện, hãy chắc rằng bạn làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không lái xe hoặc vận hành máy móc khi đang dùng thuốc. Cũng không được uống bia rượu. Nếu có bất cứ tác dụng không mong muốn nào của thuốc giảm đau dạng thuốc phiện, hãy kể cho bác sĩ. Chúng có thể gồm buồn nôn, táo bón, và khó tập trung hoặc suy nghĩ mạch lạc. Bác sĩ có thể kê thuốc chống nôn hoặc thuốc nhuận tràng để giúp làm giảm tác dụng không mong muốn.
Khi bạn đạng dùng thuốc giảm đau dạng thuốc phiện, điều quan trọng là ghi nhớ sự khác biệt giữa “lệ thuộc về mặt cơ thể” với “nghiện về mặt tâm lý”. Lệ thuộc về mặt cơ thể có nghĩa là cơ thể bạn thích nghi với thuốc và cần thuốc để hoạt động chức năng. Khi chức năng của bạn được cải thiện, bác sĩ sẽ giúp bạn giảm liều thuốc từ từ và an toàn. Việc này giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng cai. Điều quan trọng là kể cho bác sĩ về các triệu chứng này và cùng nhau giải quyết trong suốt quá trình điều trị.
Nghiện về mặt tâm lý là sự thèm muốn sử dụng thuốc bất kể nó có cần thiết cho việc cải thiện chức năng và giảm đau hay không. Dùng thuốc giảm đau dạng thuốc phiện theo cách này sẽ gây hại đến sức khỏe của bạn. Thảo luận với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình nghiện thuốc giảm đau dạng thuốc phiện. Bác sĩ có thể cho bạn thuốc khác giúp điều trị tình trạng nghiện. Bác sĩ có thể giảm liều, đổi thuốc khác, hoặc ngừng thuốc. Bác sĩ cũng có thể khuyến cáo bạn tham vấn hoặc điều trị phục hồi.
Suy ngẫm
Hãy luôn kể với bác sĩ về những loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm thuốc điều trị, vitamin và thuốc bổ. Bác sĩ cũng cần biết tất cả các vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải. Một vài loại thuốc có thể không an toàn. Đừng dùng một loại thuốc mới nào mà không được bác sĩ chấp thuận.
Làm theo hướng dẫn khi sử dụng thuốc điều trị đau mạn tính là rất quan trọng. Một số tác dụng không mong muốn có thể làm hại hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Chúng cũng có thể gây hại đến lối sống của bạn nếu bạn biểu hiện vấn đề. Đừng ngưng thuốc nếu chưa được bác sĩ chấp thuận.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Người dùng thuốc điều trị đau mạn tính nên đến bác sĩ kiểm tra định kì. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có tác dụng không mong muốn nghiêm trọng hoặc bất thường. Điều này gồm việc bạn có phản ứng bất thường nào hay không. Bác sĩ sẽ cho bạn biết nên làm gì. Tìm kiếm sự trợ giúp nếu bạn nghĩ rằng mình lệ thuộc hoặc nghiện một chất.
Hãy hỏi bác sĩ
- Những lựa chọn điều trị đau mạn tính của tôi là gì?
- Tôi cần dùng (những) thuốc nào?
- Tôi cần dùng chúng trong bao lâu?
- Tôi dùng thuốc với liều bao nhiêu và tần suất như thế nào?
- Tôi có cần dùng thuốc kèm với cái gì hoặc cần tránh những gì khi dùng thuốc không?
- Tác dụng không mong muốn có thể có là gì? Tôi nên làm gì nếu gặp phải chúng?
- Tôi khởi trị và dừng thuốc điều trị đau mạn tính thế nào cho an toàn?
- Bên cạnh thuốc, những dạng điều trị thay thế nào có thể chữa được đau mạn tính?
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ
https://familydoctor.org/chronic-pain-medicines/
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí