RỐI LOẠN ÁM ẢNH CƯỠNG BỨC
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức là gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (obessive-compulsive disorder, OCD) thuộc nhóm các rối loạn lo âu. Nó gây ra những suy nghĩ không mong muốn (ám ảnh) và những hành vi lặp lại (cưỡng bức). Tất cả chúng ta đều có những thói quen và hoạt động thường ngày, như đánh răng trước khi đi ngủ. Nhưng với người OCD, hành vi lặp lại quá mức gây khó khăn, trở ngại cho cuộc sống hằng ngày của họ.
Hầu hết người mắc OCD đều biết rằng những suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức của mình là không có ý nghĩa. Nhưng họ không thể lờ đi hoặc ngưng chúng lại.
Suy nghĩ ám ảnh là gì?
Suy nghĩ ám ảnh là những ý tưởng, hình ảnh, và xung động xuất hiện lặp đi lặp lại trong tâm trí một người. Người mắc OCD không muốn có những suy nghĩ này và thấy khó chịu bởi chúng. Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn không thể kiểm soát được chúng. Đôi khi, những suy nghĩ này thỉnh thoảng chỉ đến một lần và hơi khó chịu. Những lúc khác, người mắc OCD liên tục có những suy nghĩ ám ảnh suốt cả khoảng thời gian.
Hành vi cưỡng bức là gì?
Những suy nghĩ ám ảnh làm người mắc OCD thấy lo lắng và sợ hãi. Họ cố gắng thoát khỏi những cảm giác này bằng cách thực hiện những hành vi theo một “quy tắc” hay theo “các bước” nào đó mà họ đặt ra cho chính bản thân mình. Những hành vi này được gọi là hành vi cưỡng bức. Hành vi cưỡng bức đôi khi còn được gọi là nghi thức. Ví dụ, người mắc OCD có suy nghĩ ám ảnh về mầm bệnh. Vì thế, người bệnh có thể lặp đi lặp lại việc rửa tay mình. Thực hiện những hành vi này thường làm cảm giác lo lắng biến mất trong một khoảng thời gian ngắn. Khi sợ hãi và lo lắng quay lại, người bệnh OCD lặp lại tất cả những hành động thường làm.
Triệu chứng của rối loạn ám ảnh cưỡng bức
Trong nhiều năm, OCD được cho là hiếm gặp. Vài nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 3 triệu người Mỹ tuổi từ 18 đến 54 gặp phải OCD tại một thời điểm bất kì trong đời. Nghĩa là có khoảng 2.3% người mắc bệnh trong nhóm tuổi này. OCD ảnh hưởng đến nam và nữ như nhau.
Những suy nghĩ ám ảnh thường gặp là gì?
Dưới đây là những suy nghĩ ám ảnh thường gặp:
- Sợ bẩn hay sợ mầm bệnh.
- Ghê sợ chất thải hay chất dịch cơ thể.
- Bận tâm đến trật tự, sự đối xứng (cân bằng), và sự chính xác.
- Lo lắng một việc nào đó không được làm tốt, mặc dù người bệnh biết mối lo này là sai.
- Sợ hãi khi nghĩ về những điều xấu hay hay tội lỗi.
- Luôn nghĩ về những âm thanh, hình ảnh, từ ngữ hoặc các con số nào đó.
- Cần sự tái đảm bảo liên tục.
- Sợ làm hại người thân hoặc bạn bè.
Những hành vi cưỡng bức thường gặp là gì?
Dưới đây là những hành vi cưỡng bức thường gặp:
- Tắm rửa và vệ sinh, như lặp đi lặp lại việc rửa tay, tắm, hoặc đánh răng.
- Kiểm tra ngăn kéo, khóa cửa, và các thiết bị để chắc rằng chúng đã được đóng, khóa, hoặc tắt.
- Những hành động lặp lại, như nhiều lần ra vào khỏi cửa, đứng lên ngồi xuống trên ghế, hoặc chạm vào những đồ vật nào đó.
- Sắp xếp theo trật tự và tái sắp xếp những đồ vật theo cách nào đó.
- Đếm đi đếm lại một con số nào đó.
- Cất giữ báo, thư, hoặc hộp đựng khi chúng không còn cần thiết nữa.
- Liên tục tìm sự tái đảm bảo và đồng thuận.
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng bức?
Không có nguyên nhân đơn lẻ nào được chứng minh là gây ra OCD. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể phải liên quan đến các chất hóa học trong não dẫn truyền tín hiệu từ tế bào thần kinh này đến tế bào thần kinh khác. Một trong các chất hóa học này là serotonin. Nó giúp cho người ta không thực hiện lặp đi lặp lại cũng một hành vi. Người mắc OCD có thể thiếu serotonin. Nhiều người bệnh OCD có thể tốt hơn khi dùng các thuốc làm tăng lượng serotonin trong não. OCD có khuynh hướng di truyền. Các triệu chứng thường khởi phát ở tuổi trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
Chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng bức như thế nào?
Nếu nghĩ rằng mình mắc OCD, bạn nên tìm gặp nhân viên y tế. Hãy tìm những người có kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị OCD. Trong trường hợp này, chuyên gia sức khỏe tâm thần thường là lựa chọn tốt nhất. Đôi khi, OCD có thể bị nhầm lẫn với những rối loạn khác. Việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng.
Chẩn đoán OCD dựa trên triệu chứng của bạn. Bao gồm hành vi, các ám ảnh và/hoặc cưỡng bức của bạn. Chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng xem xét những yếu tố này tác động đến hoặc làm cản trở cuộc sống hằng ngày của bạn như thế nào.
Có thể phòng tránh được rối loạn ám ảnh cưỡng bức hay không?
Bạn không thể ngăn được OCD khởi phát. Và một khi mắc OCD, bạn sẽ mang bệnh kéo dài. OCD là một tình trạng bệnh mạn tính. Nhưng bạn có thể phòng các triệu chứng OCD bằng cách tuân thủ kế hoạch điều trị. Bạn cũng nên dùng thuốc điều trị OCD đúng theo toa được kê. Nên dùng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn.
Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức
Kết hợp trị liệu với thuốc thường là cách điều trị OCD hiệu quả nhất.
Hiện có một số thuốc điều trị OCD. Những thuốc này cũng thường được dùng điều trị trầm cảm và lo âu và bao gồm:
- Clomipramine
- Fluoxetine
- Sertraline
- Paroxetine
- Fluvoxamine
Các thuốc này có thể gây ra tác dụng không mong muốn như khô miệng, buồn nôn và ngầy ngật. Đôi khi chúng cũng có tác dụng phụ liên quan đến tình dục. Có thể cần vài tuần trước khi bạn nhận thấy sự cải thiện trong hành vi của mình.
Dưới hướng dẫn của nhà trị liệu được đào tạo, liệu pháp hành vi cũng có thể được dùng để điều trị OCD. Trong liệu pháp hành vi, người bệnh đối mặt với những tình huống gây ra hoặc làm bùng phát suy nghĩ ám ảnh và lo âu của mình. Sau đó, họ được hỗ trợ để không thực hiện những nghi thức thường giúp kiểm soát cảm giác lo lắng. Ví dụ, người bệnh bị ám ảnh bởi mầm bệnh có thể được khuyên sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Sau khi thực hiện điều này, bệnh nhân sẽ được yêu cầu chỉ giới hạn việc rửa tay của mình một lần. Để áp dụng được phương pháp này, bệnh nhân OCD phải có khả năng chịu được mức độ lo âu cao do việc trải nghiệm (với hành vi mới – ND).
Sống với rối loạn ám ảnh cưỡng bức
Người bệnh OCD thường có thêm những kiểu lo âu khác. Chúng có thể gồm các ám ảnh sợ (như sợ nhện hoặc sợ đi máy bay) hoặc cơn hoảng sợ (panic attack).
Người bệnh OCD cũng có thể có:
- Trầm cảm.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
- Rối loạn ăn uống.
- Rối loạn học tập.
Mắc thêm một hoặc nhiều rối loạn này có thể làm việc chẩn đoán và điều trị khó khăn hơn. Vì thế, việc kể cho bác sĩ về bất cứ triệu chứng nào bạn đang gặp phải là rất quan trọng, dù cho điều này làm bạn ngượng ngùng.
Hãy hỏi bác sĩ
- Nguyên nhân nào gây ra chứng OCD của tôi?
- Điều trị tốt nhất cho tôi là gì?
- Tôi có nên tham gia vào trị liệu?
- Tôi nên gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần hay nhà tâm lý?
- Tôi có nhiều khả năng mắc trầm cảm hoặc vấn đề sức khỏe tâm thần khác hay không?
- Các tốt nhất tôi có thể ứng phó với các hành vi cưỡng bức của mình là như thế nào?
- Thuốc có giúp ích được gì không?
- Có phải tôi sẽ uống thuốc và trị liệu suốt đời?
- Tôi có thể làm gì nữa để tự giúp mình ở nhà?
Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ
https://familydoctor.org/condition/obsessive-compulsive-disorder/
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí