Sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19: Đau thương và mất mát

ĐAU THƯƠNG VÀ MẤT MÁT

Trong đại dịch COVID-19, nhiều người trải qua nỗi đau thương. Đau thương là phản ứng bình thường khi người ta bị mất mát trong hoặc sau thảm họa hay một sự kiện gây sang chấn. Đau thương xảy ra khi gặp phải mất mát trong đời sống, cũng như những biến đổi lớn lao trong thói quen và lối sống thường ngày, những điều vốn thường làm chúng ta cảm thấy dễ chịu và yên ổn. Những phản ứng đau thương thường gặp gồm có:

  • Bị sốc, mất niểm tin, hay phủ nhận
  • Lo âu
  • Đau khổ
  • Giận dữ
  • Buồn phiền
  • Mất ngủ và mất cảm giác ngon miệng

Một vài người có thể trải qua nhiều mất mát trong thảm họa hoặc một sự kiện khẩn cấp quy mô lớn. Do đại dịch COVID-19, có thể bạn sẽ không được ở bên cạnh người thân khi họ qua đời, hay không thể trực tiếp phúng viếng người đã mất cùng với bạn bè và gia đình. Những mất mát khác gồm thất nghiệp, hay không đủ tiền, mất hoặc giảm các dịch vụ hỗ trợ, và những thay đổi lối sống khác. Những mất mát này có thể xảy ra cùng lúc, làm cho nỗi đau thương trầm trọng hay dai dẳng và làm chậm khả năng thích ứng, chữa lành và hồi phục.

Mỗi người có mỗi cách ứng phó khác nhau với sự mất mát. Nếu bạn cần giúp đỡ, trong bài viết này có một số nguồn thông tin có thể tham khảo.

Trẻ vị thành niên cũng có thể trải qua phản ứng đau thương vừa giống lại vừa khác với trẻ em và người lớn. Trẻ vị thành niên có thể gặp phải những thay đổi đáng kể về giấc ngủ, sự cô lập nhiều hơn, thường cáu gắt hay bực dọc, tách mình khỏi những hoạt động thường ngày, hoặc dính mắc nhiều hơn với thiết bị công nghệ. Điều quan trọng là cha mẹ hoặc người chăm sóc nên cùng với trẻ vị thành niên vượt qua nỗi đau thương để tăng cường (khả năng) ứng phó và tùy thuận một cách lành mạnh. Có thể cha mẹ cũng cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho trẻ vị thành niên và cho cả gia đình khi đương đầu với những đau thương.

Nếu bạn mất người thân trong đại dịch COVID-19

Nỗi đau mất người thân cùng lúc phải đương đầu với sự sợ hãi và lo âu liên quan đến đại dịch COVID-19 là vô cùng dữ dội. Giữ khoảng cách xã hội, “lệnh phải ở nhà (stay-at home-orders)”, và giới hạn số người tụ tập đang làm thay đổi cách bạn bè và gia đình tụ họp và (chia sẻ) nỗi đau thương, gồm cả việc tổ chức tang lễ theo truyền thống, bất kể người chết có phải là do COVID-19 hay không.

Những hành động có thể giúp bạn đương đầu với cảm giác đau thương sau khi mất đi người thân gồm:

  • Kết nối với những người khác:
    • Mời người khác gọi cho mình hoặc gọi nhóm với các thành viên trong gia đình và bạn bè để giữ kết nối.
    • Nhắn gửi gia đình và bạn bè chia sẻ đến bạn những câu chuyện và những hỉnh ảnh qua thư, email, điện thoại, hay video chat hoặc qua các ứng dụng và mạng xã hội cho phép các nhóm chia sẽ với nhau (nhóm chat, gửi tin nhắn, Facebook).
    • Sắp xếp ngày giờ để gia đình và bạn bè tưởng niệm đến người thân của bạn bằng cách ngâm thơ, đọc kinh, hoặc cầu nguyện tại nhà của họ.
  • Tạo ra những ký ức hay tưởng niệm.
    • Làm một quyền sách, blog, hoặc trang web kỷ niệm để nhớ về người thân đã mất, và nhắn gửi gia đình và bạn bè góp vào những kỷ niệm và câu chuyện.
    • Làm một hành động, như trồng cây hay nấu nướng, như một điều gì có ý nghĩa với bạn và với người thân đã mất.
  • Nhờ người khác giúp đỡ
    • Tìm dịch vụ tham vấn hay chăm sóc sức khỏe tâm thần liên quan đến phản ứng đau thương, các nhóm hỗ trợ, hoặc đường dây nóng, nhất là những nơi hỗ trợ qua điện thoại hay trực tuyến.
    • Tìm sự nâng đỡ tinh thần từ các tổ chức tôn giáo, từ người dẫn đạo và các giáo đoàn của bạn, nếu có thể được.
    • Tìm sự trợ giúp từ bạn bè và những người tin cậy khác trong cộng đồng.

Trong đại dịch, gia đình và bạn thân của người chết vì COVID-19 có thể gặp phải sự kì thị, như xã hội né tránh hay từ chối. Sự kì thị làm tổn thương mọi người qua việc tao ra sợ hãi hay giận dữ hướng đến người khác. Một vài người trước đây vốn tiếp xúc bình thường, có thể sẽ tránh liên lạc với bạn, người nhà và bạn bè bạn. Sự kì thị liên quan đến COVID-19 có lẽ sẽ ít hơn nếu người ta biết được sự thật và chia sẻ nó rộng rãi với gia đình, bạn bè và mọi người trong cộng đồng.

Nếu bạn buồn phiền vì những mất mát hay thay đổi khác

Trong đại dịch COVID-19, có thể bạn sẽ thấy đau khổ vì mất việc, không thể gặp trực tiếp bạn bè, gia đình, hay các tổ chức tôn giáo; lỡ những sự kiện hay cột mốc đặc biệt (như lễ tốt nghiệp, lễ cưới, kì nghỉ); và trải qua những thay đổi lớn lao trong thói quen và lối sống hằng ngày mà bạn vốn thấy dễ chịu. Bạn cũng có thể cảm thấy tội lỗi khi đau khổ vì những mất mát dường như không quan trọng bằng việc mất đi tính mạng. Đau thương là một cảm xúc phổ biến; không có đúng hay sai khi cảm nghiệm nó, và mọi mất mát đều đáng kể.

Dưới đây là một vài cách giúp bạn đương đầu với cảm giác đau buồn:

  • Chấp nhận và biết ơn nỗi đau thương mất mát của bạn.
    • Hãy tìm cách bày tỏ nỗi đau của mình. Một số người bày tỏ nỗi đau và tìm được sự xoa dịu bằng cách vẽ tranh, làm vườn, viết lách, trò chuyện với bạn bè hay gia đình, nấu nướng, âm nhạc, hay những hoạt động sáng tạo khác.
  • Xem xét thực hiện những nghi thức mới trong thói quen hằng ngày để giữ kết nối với người thân yêu thay cho những thứ đã mất.
    • Những người ở cùng nhau có thể cùng chơi board game và cùng tập thể dục ngoài trời.
    • Những người sống một mình hoặc bị cách ly có thể tìm cách tương tác qua điện thoại và ứng dụng cho phép cùng nhau chơi các game.
  • Nếu bận lòng về những mất mát trong tương lai, bạn hãy thử sống trong hiện tại và tập trung vào những gì có thể kiểm soát được ngay bây giờ.

Giúp trẻ em đối mặt với nỗi đau buồn

Trẻ em có cách thể hiện nỗi đau khác người lớn. Có thể trẻ đã có khoảng thời gian đặc biệt khó khăn để hiểu và đối mặt với việc mất người thân. Đôi khi trẻ buồn rầu và kể về nỗi nhớ người đã mất hoặc có phản ứng tiêu cực. Những khi khác, trẻ chơi, tương tác với bạn, và thực hiện những hoạt động thường ngày. Do hậu quả của các biện pháp giới hạn sự lây lan COVID-19, trẻ cũng có thể đau buồn khi không còn những thói quen thường ngày như đi học và chơi với bạn. Cha mẹ và người chăm sóc đóng vai trò quan trọng giúp trẻ xử lý phản ứng đau buồn.

Để trợ giúp trẻ đang trải qua phản ứng đau buồn:

  • Hãy hỏi han để biết được tâm trạng trẻ và hiểu hơn về sự nhận biết các biến cố của chúng.
  • Cho trẻ quyền được đau buồn bằng cách dành thời gian cho trẻ kể lại hoặc bày tỏ một cách sáng tạo những suy nghĩ hoặc cảm xúc.
  • Đưa ra các câu trả lời phù hợp với lứa tuổi và sự phát triển.
  • Thực hành chiến lược giữ bình tĩnh và ứng phó (những chiến lược giúp trẻ trong thảm họa hoặc các sự kiện khẩn cấp – ND) với trẻ.
  • Tự chăm sóc bản thân và làm mẫu cho trẻ các chiến lược ứng phó.
  • Giữ những thói quen thường ngày càng nhiều càng tốt.
  • Dành thời gian cho trẻ, cùng đọc, tô màu, hoặc làm những điều mà trẻ thích.

Những dấu hiệu cho thấy trẻ cần hỗ trợ thêm gồm thay đổi hành vi (như phản ứng tiêu cực, không quan tâm đến hoạt động hằng ngày, thay đổi thói quen ăn uống và ngủ nghỉ, lo âu, buồn hoặc trầm cảm kéo dài). Hãy nói với nhân viên y tế/bác sĩ  nếu phản ứng khó chịu xảy ra quá lâu, làm ảnh hưởng đến việc học hay các mối quan hệ bạn bè hay gia đình, hoặc khi bạn không nắm chắc hay bận lòng về những gì trẻ đang làm.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/stress-coping/grief-loss.html

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí