Sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19: Giảm bớt kì thị

GIẢM BỚT KÌ THỊ

Kì thị là sự phân biệt đối xử chống lại một nhóm người, một địa phương, hay một quốc gia. Kì thị có liên quan đến sự thiếu hiểu biết cách COVID-19 lây lan như thế nào, đến việc cần phải đổ lỗi cho một ai đó, đến nỗi sợ hãi bệnh dịch và chết chóc, và những chuyện phiếm làm lan truyền những lời đồn thổi và chuyện hoang đường.

Không có cá nhân hay nhóm người nào có khả năng làm phát tán COVID-19 nhiều hơn nhóm khác. Những tình trạng y tế công cộng khẩn cấp, như đại dịch lần này, là khoảng thời gian stress đối với người dân và cộng đồng. Nỗi lo sợ bệnh dịch có thể dẫn đến kì thị xã hội, đó là những thái độ và niềm tin tiêu cực nhắm đến con người, địa phương hay sự việc. Sự kì thị dẫn đến việc dán nhãn, định kiến, phân biệt đối xử, và những hành vi tiêu cực nhắm vào người khác. Ví dụ, kì thị và phân biệt đối xử có thể xảy ra ở người liên quan đến một bệnh lý, như COVID-19, với một nhóm dân số, cộng đồng, hay quốc gia. Sự kì thị có thể xảy ra sau khi một người hồi phục khỏi COVID-19 hay khi vừa hết cách ly.

Một số nhóm có thể gặp phải sự kì thị trong đại dịch COVID-19 gồm:

  • Các nhóm chủng tộc thiểu số nhất định, như người Mỹ gốc Á, người thuộc các quần đảo Thái Bình Dương (Pacific Islanders), và người da đen hay người Mỹ gốc Phi;
  • Người dương tính với COVID-19, đã hồi phục sau COVID-19, hay được cho về sau cách ly;
  • Nhân viên ứng cứu khẩn cấp (emergency responder) hay nhân viên y tế;
  • Các nhân viên tuyến đầu khác, như nhân viên cửa hàng tạp hóa, tài xế giao hàng, công nhân trong nông trại hoặc nhà máy chế biến thực phẩm;
  • Người tàn tật hoặc có các rối loạn phát triển và hành vi, là những người có thể khó làm theo các khuyến cáo;
  • Người có bệnh nền gây ho;
  • Người sống tại những nơi tụ tập đông, như người vô gia cư.

Sự kì thị làm tổn thương mọi người bởi việc tạo ra sợ hãi hay tức giận nhiều hơn nhắm tới những người bình thường, thay vì tập trung vào bệnh dịch mới đang là nguyên nhân của vấn đề. Sự kì thị cũng có thể dễ làm cho người bệnh dấu bệnh/triệu chứng, không tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay, và ngăn họ tiếp nhận những hành vi lành mạnh. Điều này có nghĩa là sự kì thị làm cho việc kiểm soát lây lan dịch bệnh khó khăn hơn.

Nhóm người bị kì thị cũng có thể bị phân biệt đối xử. Sự phân biệt đối xử này có thể ở dạng:

  • Bị người khác né tránh hay từ chối;
  • Bị từ chối chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở hay nghề nghiệp;
  • Bị lạm dụng bằng ngôn ngữ; hoặc
  • Bị bạo hành cơ thể.

Sự kì thị tác động tiêu cực đến sức khỏe cảm xúc, tâm thần, và thể chất của nhóm người bị kì thị và của cộng đồng mà họ sinh sống. Người bị kì thị có thể bị cô lập, trầm cảm, lo âu, hoặc bị xấu hổ trước mọi người. Ngưng kì thị là điều quan trọng để tất cả các cộng đồng và thành viên trong cộng đồng được an toàn và khỏe mạnh hơn. Mỗi người để có thể giúp chấm dứt kì thị liên quan đến COVID-19 bằng cách tìm hiểu thông tin thật (liên quan đến COVID-19) và chia sẻ với mọi người xung quanh.

Các nhà lãnh đạo cộng đồng và quan chức y tế công cộng có thể giúp ngăn ngừa sự kì thị bằng cách:

  • Giữ sự riêng tư và bảo mật của những người tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những người liên quan đến điều tra dịch tễ do tiếp xúc.
  • Nhanh chóng truyền thông về nguy cơ, hay không có nguy cơ, từ việc tiếp xúc với các sản phẩm, con người, và địa điểm.
  • Điều chỉnh ngôn ngữ tiêu cực có thể gây kì thị bằng cách chia sẻ thông tin chính xác về cách virus lây lan như thế nào.
  • Lên tiếng phản đối những hành vi và phát ngôn tiêu cực, gồm cả những phát ngôn trên mạng xã hội.
  • Đảm bảo rằng những hình ảnh được dùng trong truyền thông là từ nhiều cộng đồng đa dạng và không củng cố cho các định kiến.
  • Sử dụng các kênh truyền thông, gồm tin tức và mạng xã hội, để lên tiếng chống lại định kiến đối với các nhóm người bị kì thị do COVID-19.
  • Cảm ơn các nhân viên y tế, nhân viên phản ứng nhanh và những người làm việc tại tuyến đầu khác.
  • Đề xuất các nguồn dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần hoặc hỗ trợ xã hội dành cho người bị kì thị hay bị phân biệt đối xử.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC)

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/reducing-stigma.html

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí