Sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19: Hỗ trợ người bị lạm dụng

HỖ TRỢ NGƯỜI BỊ LẠM DỤNG

Bạo lực là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già. Nhiều người sống sót sau khi trải qua bạo lực nhưng phải dai dẳng chịu đựng các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần và cảm xúc.

Những hành động y tế công nhằm làm giảm sự lây lan của COVID-19 gồm tránh tụ tập, làm việc từ xa, và đóng cửa trường học. Mặc dù đây là những biện pháp quan trọng để làm giảm lây lan COVID-19, chúng cũng có thể góp phần làm gia tăng bạo lực và tự sát do:

  • Cô lập hay mất nguồn hỗ trợ xã hội
  • Stress liên quan đến tài chính, cảm xúc, hay cơ thể
  • Mất đi khoảng thời gian riêng tư hay mất đi khoảng không gian cho thể chất và tinh thần
  • Thiếu người chăm sóc trẻ em
  • Mất việc hay mất thu nhập
  • Trầm cảm hoặc lo âu
  • Lạm dụng chất
  • Giảm tiếp cận dịch vụ và hỗ trợ về sức khỏe tâm thần hay rối loạn sử dụng chất

Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội có thể làm tăng thời gian nạn nhân ở nhà hay ở chung chỗ với kẻ lạm dụng mình, dẫn tới tăng nguy cơ bị lạm dụng, bao gồm lạm dụng và bỏ rơi trẻ em, bạo hành bạn tình, và lạm dụng người già. Các nạn nhân không thể tìm được sự giúp đỡ do bị hạn chế tiếp xúc với xã hội bên ngoài, hoặc họ không thể tìm được các dịch vụ hay nơi trú ẩn dành cho nạn nhân. Đại dịch COVID-19 cũng có thể tác động đến người bị bạo hành bởi:

  • Kẻ lạm dụng có thể cô lập và kiểm soát nạn nhân nhiều hơn.
  • Kẻ lạm dụng có thể đưa thông tin sai lệch về đại dịch để kiểm soát hay uy hiếp nạn nhân hoặc ngăn không cho nạn nhân tìm kiếm điều trị y tế khi cần.
  • Các chương trình chăm sóc cho nạn nhân, như nơi trú ẩn và trung tâm tham vấn, có thể đã hết chỗ hoặc không thể hỗ trợ họ. Nạn nhân có thể sợ phải đến các điểm trú ẩn do sợ phơi nhiễm COVID-19.
  • Việc hạn chế di chuyển có thể ảnh hưởng đến kế hoạch trốn thoát hay tìm nơi an toàn của nạn nhân.

Nếu bạn hay ai đó đang bị bạo hành, dưới đây là vài gợi ý có thể hữu ích:

  • Cẩn thận lập kế hoạch để vạch ra những cách giữ an toàn cho mình trong hoàn cảnh hiện tại, kế hoạch rời đi, hoặc sau khi đi khỏi.
  • Thực hành tự chăm sóc bản thân càng nhiều càng tốt.
  • Nếu thấy an toàn, hãy tìm sự giúp đỡ và cố gắng giữ kết nối xã hội, thông qua gọi điện thoại, nhắn tin, email, và các mạng xã hội.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC)

https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/stress-coping/abuse.html

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí