Rối loạn hoảng sợ

RỐI LOẠN HOẢNG SỢ

Rối loạn hoảng sợ là gì?

Rối loạn hoảng sợ là tình trạng người bệnh có các cơn sợ hãi hay lo âu tột độ, xuất hiện đột ngột, thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Giả sử có một ngày bạn bước ra khỏi xe của mình để vào chỗ làm. Đột nhiên, bạn thấy ngực mình bị siết chặt. Tim bạn đập nhanh. Bạn bắt đầu cảm thấy choáng váng và như muốn ngất. Bạn bắt đầu ngợp thở. Bạn thấy dường như mình sắp chết. Có phải mọi thứ đều do bạn tưởng tượng ra? Không. Nhiều khả năng nhất là, bạn có cơn hoảng sợ (panic attack).

Cơn hoảng sợ có thể kéo dài từ vài phút đến hàng giờ. Có thể thỉnh thoảng chúng chỉ xuất hiện một lần, hoặc có thể xuất hiện khá thường xuyên. Nguyên nhân, hay “yếu tố khởi phát”, của những cơn hoảng sợ này có thể không rõ ràng. Một chẩn đoán rối loạn hoảng sợ thường được đưa ra sau khi người bệnh trải qua ít nhất 2 cơn hoảng sợ xuất hiện không có nguyên nhân và theo sau bởi một giai đoạn ít nhất 1 tháng sợ rằng sẽ có cơn khác xảy đến. Nếu không được điều trị, cơn hoảng sợ có thể dẫn đến ám ảnh sợ (phobia).

Ám ảnh sợ là gì?

Ám ảnh sợ là đáp ứng sợ hãi quá mức, không phù hợp với những cái cụ thể nào đó. Có rất nhiều ám ảnh sợ khác nhau. Một vài ám ảnh sợ thường gặp nhất gồm sợ đám đông, sợ qua cầu, sợ rắn, sợ nhện, sợ độ cao, sợ khoảng rộng, hoặc sợ xấu hổ trước những tình huống xã hội.

Một ám ảnh sợ được xem là vấn đề chỉ khi nào nó cản trở đến cuộc sống bình thường của bạn. Ví dụ như bạn sợ không dám ra khỏi nhà bởi vì sợ một trong những thứ được liệt kê ở trên.

Triệu chứng của rối loạn hoảng sợ
Điều gì xảy ra trong cơn hoảng sợ?

Cơn hoảng sợ liên quan với những triệu chứng cơ thể, bao gồm:

  • Run
  • Cảm thấy tim đập nhanh, thình thịch
  • Vã mồ hôi
  • Đau hoặc khó chịu vùng ngực
  • Thở hụt hơi
  • Cảm thấy mình đang chết lặng
  • Buồn nôn
  • Chuột rút
  • Choáng váng/chóng mặt hoặc yếu cơ
  • Cảm giác tách rời khỏi cơ thể mình
  • Tê hoặc ngứa bàn tay, cánh tay, bàn chân hoặc cẳng chân
  • Ớn lạnh hoặc bốc hỏa
  • Cảm giác không có thật hoặc giống như giấc mơ

Người bệnh cũng vô cùng sợ hãi sự mất kiểm soát, sợ hóa điên, hoặc sợ chết trong cơn hoảng sợ. Rất hiếm khi người bệnh có tất cả các triệu chứng kể trên trong một cơn hoảng sợ. Tuy nhiên, sự hiện diện của ít nhất 4 triệu chứng gợi ý nhiều khả năng người bệnh mắc rối loạn hoảng sợ.

Nhiều triệu chứng xuất hiện trong cơn hoảng sợ cũng giống với các triệu chứng của hệ tim, phổi, ruột hoặc hệ thần kinh. Sự giống nhau giữa cơn hoảng sợ và các bệnh lý khác làm người bệnh thêm lo âu và sợ hãi trong và sau cơn. Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng mình thực sự có cơn đau tim (heart attack).

Chỉ cần có nỗi sợ cơn hoảng sợ cũng thường đủ để khởi phát các triệu chứng. Đây là khởi điểm của tình trạng gọi là ám ảnh sợ khoảng rộng (agoraphobia). Người mắc chứng ảm ảnh sợ khoảng rộng thấy khó khăn khi ra khỏi nhà (hoặc nơi an toàn khác) vì họ sợ có cơn hoảng sợ ở nơi công cộng hoặc không có cách ra khỏi cơn khi triệu chứng khởi phát.

Nguyên nhân nào gây ra rối loạn hoảng sợ?

Các bác sĩ vẫn chưa biết nguyên nhân nào gây ra rối loạn hoảng sợ. Một số cho rằng rối loạn này liên quan đến gene (có tính di truyền). Nó cũng có thể chỉ đơn giản là phản ứng của cơ thể bạn với stress nặng.

Chẩn đoán rối loạn hoảng sợ như thế nào?

Nhiều người có cơn hoảng sợ không tìm kiếm chăm sóc y khoa vì ngại ngùng. Có thể họ cũng sợ tìm chăm sóc y khoa hoặc sợ dùng thuốc. Nếu bạn có cơn hoảng sợ, việc tìm chăm sóc y khoa và thảo luận vấn đề của mình với bác sĩ là rất quan trọng. Sau khi đánh giá, bác sĩ sẽ cho bạn biết cơn hoảng sợ của bạn liên quan đến rối loạn hoảng sợ hay do vấn đề khác. Hiện có những điều trị đơn giản giúp kiểm soát cơn hoảng sợ và rối loạn hoảng sợ.

Có thể phòng tránh được rối loạn hoảng sợ hay không?

Không thể phòng được rối loạn hoảng sợ vì các bác sĩ chưa biết chắc nguyên nhân nào gây ra nó. Nhưng bạn có khả năng phòng được cơn hoảng sợ nhờ việc biết các yếu tố khởi phát của mình. Bác sĩ có thể giúp bạn việc này. Bác sĩ giúp đảm bảo cơn hoảng sợ của bạn không trở nên nặng hơn hoặc không thường xuyên hơn. Hoạt động thể lực cũng là một ý hay. Tập thể dục được biết đến là một yếu tố giảm stress và cũng có thể bảo vệ bạn khỏi cơn hoảng sợ.

Điều trị rối loạn hoảng sợ

Hai cách điều trị rối loạn hoảng sợ phổ biến nhất là thông qua tham vấn và nhờ vào thuốc. Một vài hình thức tham vấn rất hiệu quả trong điều trị cơn hoảng sợ và rối loạn hoảng sợ. Bạn có thể hỏi bác sĩ về những hình thức tham vấn khác nhau hiện có. Tham vấn không tác dụng nhanh như thuốc, như nó có thể đạt hiệu quả như thuốc. Kết hợp cả tham vấn và thuốc thường là điều trị hiệu quả đối với cơn hoảng sợ và rối loạn hoảng sợ.

Một số loại thuốc có thể làm cơn hoảng sợ nhẹ hơn hoặc ngăn chặn chúng.

Các thuốc chống trầm cảm rất có hiệu quả trong dự phòng lo âu và cơn hoảng sợ. Chúng thường ngăn chặn hoàn toàn cơn hoảng sợ. Bạn không cần phải trầm cảm mới dùng chúng. Tác dụng phụ thường nhẹ. Thuốc chống trầm cảm không làm bạn mất kiểm soát hay thay đổi nhân cách. Những thuốc này có thể dùng lâu dài nếu cần thiết, thậm chí dùng hàng năm.

Thuốc giải lo âu là một loại thuốc có ích khác trong điều trị rối loạn hoảng sợ. Như tên gọi, các thuốc này làm giảm sợ hãi và lo âu. Nên sử dụng chúng trong thời gian ngắn (từ vài tuần đến vài tháng), nếu không bạn sẽ lệ thuộc vào chúng. Đừng bao giờ đột ngột dừng các thuốc này. Nếu bạn cần dừng thuốc, nên giảm liều chậm trong vài tuần dưới sự giám sát của bác sĩ.

Điều trị trong bao lâu?

Điều trị trong bao lâu tùy vào bạn. Mục tiêu hợp lý là dừng hoàn toàn cơn hoảng sợ. Bác sĩ sẽ thiết lập kế hoạch điều trị dành cho bạn. Giai đoạn điều trị kéo dài ít nhất 6 đến 9 tháng thường được khuyến cáo. Một số người dùng thuốc điều trị rối loạn hoảng sợ có thể dừng thuốc chỉ sau một thời gian ngắn. Những người khác cần điều trị liên tục trong một thời gian dài, hoặc thậm chí điều trị suốt đời.

Sống với rối loạn hoảng sợ

Các cơn hoảng sợ thường không thể đoán trước, ngay cả khi đã được chẩn đoán. Chúng có thể làm bạn cảm thấy vô dụng. Bên cạnh kế hoạch điều trị, cần xem xét thay đổi lối sống để giúp làm giảm nguy cơ có cơn hoảng sợ.

  • Tập thể dục. Hoạt động thể lực có thể giúp bạn giảm thiểu stress. Nó cũng có thể làm bạn bình tâm.
  • Ngủ. Không nghỉ ngơi đầy đủ có thể làm bạn suy nhược. Nó cũng gây cho bạn nhiều vấn đề cảm xúc. Điều này làm bạn dễ lo âu và có cơn hoảng sợ hơn.
  • Ngưng rượu, caffeine, thuốc lá và các chất ma túy khác. Các chất này đều có thể làm khởi phát cơn hoảng sợ hoặc làm nó nặng hơn.
  • Tham gia nhóm hỗ trợ. Biết rằng bạn không đơn độc luôn là điều tốt. Nhiều khi, chỉ đơn giản nói về cơn hoảng sợ cũng có thể tạo cảm giác bạn có sức mạnh vượt qua nó.

Hãy hỏi bác sĩ

  • Nguyên nhân nào gây ra rối loạn hoảng sợ của tôi?
  • Điều trị tốt nhất cho tôi là gì?
  • Tôi có nên dùng thuốc?
  • Có phải tôi sẽ dùng thuốc suốt đời?
  • Tôi nên thử loại trị liệu nào khác hay không?
  • Tôi sợ phải ra khỏi nhà. Tôi nên làm gì?
  • Có khả năng nào cơn hoảng sợ của tôi sẽ trở lại sau khi đã điều trị hay không?

​Nguồn: Hiệp hội Gia đình Hoa Kỳ

https://familydoctor.org/condition/panic-disorder/

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí