Rối loạn triệu chứng cơ thể: Dành cho bác sĩ

RỐI LOẠN TRIỆU CHỨNG CƠ THỂ

Dịch từ: Sadock, B. J., & Sadock, V. A. (Eds.). (2019). Kaplan and Sadock’s pocket handbook of clinical psychiatry. Lippincott Williams & Wilkins.
Người dịch: BS. Võ Hùng Chí

Rối loạn triệu chứng cơ thể, còn được gọi là rối loạn nghi bệnh (hypochondriasis), cần 6 tháng trở lên có mối bận tâm không có tính chất hoang tưởng về nỗi sợ, hoặc một người (cho rằng) mình mắc một căn bệnh nghiêm trọng do giải thích sai các triệu chứng cơ thể. Tình trạng này gây đau khổ và suy giảm đáng kể trong cuộc sống người bệnh, và không giải thích được bởi bệnh lý tâm thần hoặc nội khoa khác.

1. Dịch tễ

Tại các phòng khám nội khoa, tỷ lệ hiện mắc trong 6 tháng của rối loạn triệu chứng cơ thể là từ 4 đến 6%. Nam và nữ bị ảnh hưởng như nhau, nhưng phụ nữ than phiền triệu chứng cơ thể nhiều hơn nam giới. Khởi phát có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 đến 30. Các dữ liệu cho thấy rối loạn triệu chứng cơ thể phổ biến hơn ở người da đen, nhưng địa vị xã hội, trình độ học vấn, giới tính và tình trạng hôn nhân dường như không ảnh hưởng đến chẩn đoán. Rối loạn này xảy ra ở khoảng 3% sinh viên y khoa, thường là trong 2 năm đầu, nhưng nhìn chung là thoáng qua.

2. Bệnh nguyên

Người bệnh làm tăng thêm và phóng đại những cảm giác cơ thể của mình, và có ngưỡng (cảm giác) và khả năng chịu đựng thấp đối với những khó chịu của cơ thể. Ví dụ, một người có thể cảm nhận việc ấn bụng giống như cảm giác đau bụng, và giải thích sai về những cảm giác cơ thể, trở nên lo sợ bởi vì khuôn mẫu nhận thức sai lệch.

Dưới góc nhìn của mô hình học tập xã hội, người bệnh đóng vai người ốm (sick role) và gặp phải những vấn đề dường như không thể vượt qua và không thể giải quyết được. Giữ vai người ốm cho phép bệnh nhân né tránh những nghĩa vụ mà mình không muốn chấp nhận, và được miễn khỏi những trách nhiệm và nghĩa vụ thông thường.

Khoảng 80% bệnh nhân mắc rối loạn này có thể đồng mắc các rối loạn trầm cảm và lo âu.

3. Chẩn đoán

Theo DSM-5, tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn triệu chứng cơ thể gồm có việc bệnh nhân bận tâm về niềm tin sai lệch rằng mình mắc bệnh nghiêm trọng, dựa trên cách giải thích sai của bệnh nhân về các dấu hiệu và cảm giác cơ thể, tình trạng này phải kéo dài ít nhất 6 tháng, dù cho không tìm ra được bệnh lý nào khi khám nội khoa và thần kinh. Tiêu chuẩn chẩn đoán cũng đòi hỏi rằng niềm tin (mình mắc bệnh) không mãnh liệt như một hoang tưởng (phù hợp với chẩn đoán rối loạn hoang tưởng hơn) và không giới hạn trong việc chỉ đau khổ về ngoại hình của mình (phù hợp với chẩn đoán rối loạn sợ biến dạng cơ thể hơn). Các triệu chứng của rối loạn triệu chứng cơ thể phải đủ nặng để gây ra cảm xúc đau khổ hoặc suy giảm khả năng hoạt động chức năng trong những lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống. Bác sĩ lâm sàng có thể biệt định tình trạng khả năng thấu suốt kém; khi bệnh nhân không nhận định nhất quán được rằng mối bận tâm của mình về bệnh là quá mức.

4. Đặc điểm lâm sàng

Bệnh nhân tin rằng mình mắc bệnh nghiêm trọng mà chưa phát hiện được và không thể thuyết phục họ nghĩ theo hướng ngược lại. Họ có thể giữ niềm tin rằng mình mắc một căn bệnh đặc biệt mặc dù các kết quả xét nghiệm âm tính, khi căn bệnh mà họ nghĩ diễn tiến lành tính theo thời gian và có sự đoan chắc thích hợp từ các bác sĩ và cùng với thời gian, bệnh nhân chuyển niềm tin của mình sang một bệnh khác. Có thể đồng xuất hiện các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

DSM-5 biệt định các triệu chứng phải xuất hiện ít nhất 6 tháng, nhưng các biểu hiện thoáng qua có thể xảy ra sau những stress nặng (cái chết hoặc bệnh nghiêm trọng của người quan trọng đối với bệnh nhân hoặc bệnh đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng). Những tình trạng như vậy kéo dài dưới 6 tháng được chẩn đoán là “Rối loạn triệu chứng cơ thể và các rối loạn liên quan biệt định khác”.

5. Chẩn đoán phân biệt

Phải phân biệt rối loạn triệu chứng cơ thể với các bệnh lý nội khoa có triệu chứng mơ hồ như hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), các bệnh nội tiết, nhược cơ, bệnh đa xơ cứng, bệnh thoái hóa hệ thống thần kinh, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, và các rối loạn u tân sinh ẩn.

Rối loạn triệu chứng cơ thể phân biệt với rối loạn lo âu bệnh lý (illness anxiety disorder), một tình trạng sợ mắc một bệnh lý hơn là bận tâm về nhiều triệu chứng. Bệnh nhân mắc rối loạn lo âu bệnh lý chủ yếu quan tâm đến việc mình đang bị bệnh (một bệnh cụ thể nào đó).

Rối loạn chuyển dạng (conversion disorder) là cấp tính và thoáng qua, và liên quan đến một triệu chứng hơn là một bệnh cụ thể. Rối loạn triệu chứng cơ thể cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân trầm cảm và lo âu, đặc biệt là rối loạn hoảng sợ (panic disorder). Hỏi bệnh kỹ lưỡng thường sẽ phát hiện được các triệu chứng của một cơn hoảng sợ (panic attack). Rối loạn hoang tưởng có thể được phân biệt bởi tính mãnh liệt của hoang tưởng và các triệu chứng loạn thần khác. Ngoài ra, những hoang tưởng liên quan đến cơ thể ở bệnh nhân tâm thần phân liệt có khuynh hướng kì quái.

Rối loạn triệu chứng cơ thể phân biệt với rối loạn giả tạo (factitious disorder) và cố ý giả bệnh (malingering) ở chỗ bệnh nhân (rối loạn triệu chứng cơ thể) thực sự trải qua và không (cố ý) tạo ra các triệu chứng mà họ báo cáo.

6. Diễn tiến và tiên lượng

Diễn tiến bệnh thường có tính giai đoạn, bệnh kéo dài hằng tháng đến hằng năm, ngang bằng với những giai đoạn im lặng không biểu hiện bệnh. Các yếu tố stress tâm lý xã hội có thể làm bệnh nặng thêm, nhưng một phần ba đến một nửa số bệnh nhân sẽ cải thiện đáng kể. Những yếu tố tiên lượng tốt là điều kiện kinh tế xã hội ở mức cao, lo âu hoặc trầm cảm đáp ứng với điều trị, triệu chứng khởi phát đột ngột, không có rối loạn nhân cách và không có bệnh nội khoa.

7. Điều trị

Những bệnh nhân rối loạn triệu chứng cơ thể thường không chịu điều trị tâm thần, nhưng một số người sẽ chấp thuận việc điều trị này trong hoàn cảnh phòng khám nội khoa với sự tập trung vào giảm stress và ứng phó với bệnh mạn tính. Liệu pháp tâm lý nhóm thường mang lại lợi ích vì nó cung cấp hỗ trợ xã hội và tương tác xã hội từ đó làm giảm lo âu. Các liệu pháp như tâm lý trị liệu định hướng thấu thị cá nhân (individual insight-oriented psychotherapy), trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức và thôi miên có thể hữu ích.

Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên giúp tái khẳng định với bệnh nhân rằng bác sĩ không bỏ quên họ và những than phiền của họ đang được xem xét một cách nghiêm túc. Chỉ nên thực hiện các thủ thuật chẩn đoán xâm lấn khi có bằng chứng khách quan gợi ý. Hóa dược trị liệu chỉ giúp ích với những tình trạng có đáp ứng với thuốc, như rối loạn lo âu và trầm cảm.