Những câu hỏi thường gặp về trầm cảm

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ

TRẦM CẢM

Nguồn: Hiệp hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ

Tổng quan

Trầm cảm là gì?

Khi các bác sĩ nói về trầm cảm (depression), họ muốn đề cập đến một bệnh lý nội sinh được gọi là trầm cảm chủ yếu (major depression). Người bệnh trầm cảm chủ yếu có những triệu chứng giống như những gì được liệt kê trong phần Triệu chứng, xảy ra suốt cả ngày, hầu như ngày nào cũng có, trong vòng 2 tuần hoặc dài hơn. Cũng có một dạng trầm cảm thứ yếu ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Cả hai dạng trầm cảm đều có chung những nguyên nhân và cách điều trị.

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và không giống nhau ở mỗi người. Một người trầm cảm không thể kiểm soát được những cảm xúc của mình. Nếu bạn hay người thân của mình là trẻ em, thiếu niên hay người già bị trầm cảm, đó không phải là lỗi của người bệnh.

Có phải trầm cảm thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới?

Đúng. Phụ nữ mắc trầm cảm gấp cao hơn gấp 2 lần so với nam giới. Nguyên nhân chưa được biết rõ, nhưng sự thay đổi nồng độ các nội tiết tố nữ có thể liên quan tới trầm cảm.

Triệu chứng

Những triệu chứng của trầm cảm là gì?

Những triệu chứng trầm cảm không giống nhau đối với mỗi người. Bạn có thể có một hoặc nhiều triệu chứng được liệt kê bên dưới. Những triệu chứng của bạn có thể chỉ là triệu chứng cảm xúc hoặc chỉ là triệu chứng cơ thể, hoặc cả hai.

Những triệu chứng cảm xúc:

  • Dễ khóc hoặc khóc không có lý do
  • Cảm thấy tội lỗi hay vô dụng
  • Cảm thấy bồn chồn, bứt rứt, và dễ bực bội
  • Cảm thấy buồn, vô cảm, hay tuyệt vọng
  • Mất quan tâm hay thích thú với những gì bạn từng yêu thích (bao gồm cả tình dục)
  • Suy nghĩ về cái chết hay tự sát

Những triệu chứng cơ thể

  • Thay đổi cảm giác ngon miệng (ăn nhiều hơn/ít hơn so với bình thường)
  • Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi
  • Đau hoặc căng cơ không đáp ứng với điều trị
  • Đau đầu, đau lưng hay các vấn đề về tiêu hóa
  • Ngủ rất nhiều, hoặc có những vấn đề về giấc ngủ
  • Tăng cân hay sụt cân không phải do dự tính trước
  • Những triệu chứng trầm cảm có thể thay đổi trên trẻ em, thiếu niên hay người cao tuổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Những nguyên nhân nào gây ra trầm cảm?

Trầm cảm có thể được gây ra bởi sự mất cân bằng của các chất hóa học trong bộ não. Thường là không đủ các chất hóa học truyền tin (được gọi là chất dẫn truyền thần kinh) trong não. Ví dụ một số chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng đến cảm xúc/khí sắc của bạn là serotonin, norepinephrine, và dopamine. Sự mất cân bằng của các chất hóa học trong não bộ có thể được gây ra bởi một hoặc nhiều nguyên nhân sau đây:

  • Bộ gene. Trầm cảm thường có tính di truyền, nghĩa là nó xảy ra trong gia đình của bạn. Nếu bạn có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị trầm cảm, bạn có thể có nhiều nguy cơ mắc trầm cảm hơn.
  • Bệnh lý nội khoa. Những vấn đề của tuyến giáp, thiếu hụt dinh dưỡng, hay các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, hay ung thư có thể gây ra trầm cảm.
  • Những biến cố trong đời sống. Trầm cảm có thể bùng phát bởi những sự kiện stress trong đời sống, như người thương yêu qua đời, ly hôn, bệnh mạn tính, hay mất việc làm.
  • Thuốc hay rượu. Một số loại thuốc nhất định, lạm dụng chất hay lạm dụng rượu, hay có những bệnh lý khác cũng có thể dẫn tới trầm cảm.

Trầm cảm không phải được gây ra bởi những khuyết điểm cá nhân, sự lười biếng, hay thiếu nghị lực.

Mang thai có thể gây trầm cảm hay không?

Những ngày đầu sau sinh, một số bà mẹ thường có những thay đổi cảm xúc. Họ có thể cảm thấy trầm cảm nhẹ, khó tập trung, mất cảm giác ngon miệng, hay nhận thấy rằng mình không thể ngủ ngon ngay cả khi con mình đã ngủ. Điều này được gọi là tình trạng xuống tinh thần sau khi sinh (baby blues) và trở lại bình thường trong vòng 10 ngày sau sinh. Tuy nhiên, một vài phụ nữ có những triệu chứng nặng hơn và các triệu chứng có thể kéo dài hơn. Tình trạng này được gọi là trầm cảm sau sinh (postpartum depression).

Chẩn đoán

Làm cách nào bác sĩ biết được tôi đang trầm cảm?

Bạn cần kể cho bác sĩ nghe về những triệu chứng của mình. Đừng nghĩ rằng bác sĩ có thể đoán được bạn bị trầm cảm chỉ bằng cách nhìn bạn. Bạn có thể cảm thấy lúng túng, hay khó hình dung được điều trị sẽ thực sự giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Điều trị càng sớm, trầm cảm càng nhanh chóng biến mất.

Trầm cảm được chẩn đoán như thế nào?

Khi kể cho bác sĩ về những gì bạn đang cảm nhận, các bác sĩ có thể hỏi một vài câu về những triệu chứng, về sức khỏe, và về tiền căn gia đình của bạn. Bác sĩ cũng có thể tiến hành khám thực thể và cho bạn làm một vài test. Một điều quan trọng nữa là nói cho bác sĩ về bất kì loại thuốc nào bạn đang sử dụng.

Những việc làm giúp ích cho người bệnh trầm cảm

  • Chẩn đoán và điều trị sớm giúp cho trầm cảm không diễn tiến xấu hay kéo dài.
  • Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp bạn hồi phục trở lại trạng thái bình thường và yêu đời.
  • Sau khi được chẩn đoán, điều trị có thể giúp phòng ngừa trầm cảm tái phát trở lại.
  • Những ý nghĩ tự sát thường xảy ra trên người trầm cảm. Nguy cơ tự sát cao hơn nếu bạn không có được những sự giúp đỡ đối với tình trạng bệnh của mình. Khi trầm cảm được chữa trị thành công, những suy nghĩ tự sát sẽ biến mất.

Điều trị

Trầm cảm được điều trị như thế nào?

Trầm cảm có thể được điều trị bằng cách dùng thuốc, tham vấn, hoặc cả hai. Một chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, và tránh rượu, các chất ma túy, và tránh uống quá nhiều cà phê cũng có thể giúp ích.

Tôi có cần nhập viện không?

Trầm cảm thường có thể được điều trị ngoại trú. Điều trị nội trú có thể cần thiết nếu bạn có những bệnh lý nội khoa khác có thể ảnh hưởng đến việc trị liệu trầm cảm hay nếu có nguy cơ tự sát cao.

Trầm cảm kéo dài bao lâu?

Điều này tùy thuộc vào việc bạn được trợ giúp sớm hay trễ. Nếu không điều trị, trầm cảm có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hay thậm chí hàng năm. Nguy cơ chủ yếu khi không được điều trị là tự sát. Điều trị có thể giúp trầm cảm biến mất trong 8 đến 12 tuần hay ít hơn.

Những loại thuốc nào được dùng để điều trị trầm cảm?

Thuốc trị trầm cảm được gọi là thuốc chống trầm cảm (antidepressant). Chúng giúp làm tăng các chất hóa học truyền tin (serotonin, norepinephrine, dopamine) trong não bộ.

Các thuốc chống trầm cảm tác dụng khác nhau đối với những người khác nhau. Chúng cũng có thể có những tác dụng phụ khác. Vì vậy, khi một loại thuốc làm bạn khó chịu hay không có tác dụng đối với bạn, thì những thuốc khác có thể giúp ích. Cần lưu ý rằng sự cải thiện bệnh xảy ra khoảng 1 tuần sau khi dùng thuốc. Nhưng có thể bạn sẽ không thấy hết những hiệu quả của thuốc trong vòng 8 đến 12 tuần. Ban đầu có thể có những tác dụng phụ, nhưng chúng có khuynh hướng giảm xuống sau vài tuần. Đừng bao giờ ngưng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Tham vấn giúp ích như thế nào?

Đối với trầm cảm mức độ từ nhẹ đến vừa, tham vấn có thể là một chọn lựa điều trị tốt. Trong trầm cảm chủ yếu (nặng) và một số người trầm cảm thứ yếu, tham vấn đơn thuần có thể chưa đủ. Kết hợp thuốc và tham vấn thường là cách điều trị hiệu quả nhất cho trầm cảm nặng. Nếu điều trị kết hợp liên tục trong ít nhất một năm, khả năng tái phát của trầm cảm sẽ ít hơn.

Trong tâm lý trị liệu, bạn trò chuyện với một chuyên gia trị liệu hay tham vấn viên đã qua đào tạo về những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình. Có thể tập trung nhấn mạnh vào những suy nghĩ và niềm tin của bạn, về những gì xảy ra trước đó, hay về những mối quan hệ của bạn. Hoặc có thể nhấn mạnh vào hành vi của bạn, nó ảnh hưởng thế nào đến bạn, và bạn có thể làm gì khác hơn không. Việc làm tâm lý trị liệu thường kéo dài trong một khoảng thời gian giới hạn, từ 8 đến 20 lần tham vấn.

Liệu pháp sốc điện (Electroconvulsive Therapy, ECT)

Liệu pháp sốc điện (ECT) là một quá trình được dùng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý tâm thần nhất định. Dòng điện được truyền qua não bộ để khởi phát cơn co giật (một giai đoạn ngắn hoạt động của não bộ không bình thường), kéo dài khoảng 40 giây. Thuốc được dùng trong sốc điện giúp ngăn sự tổn hại đến cơ và xương.

Liệu pháp sốc điện có thể giúp được những bệnh nhân có các tình trạng sau:

  • Trầm cảm nặng không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm hay tham vấn.
  • Trầm cảm nặng trên những bệnh nhân không thể dùng thuốc chống trầm cảm.
  • Hưng cảm nặng không đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Những triệu chứng của hưng cảm nặng có thể bao gồm bồn chồn bứt rứt, lú lẫn, ảo giác hay hoang tưởng.
  • Tâm thần phân liệt không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.

Kết luận: những điều nên và không nên làm ở bệnh nhân trầm cảm

Nên:

  • Sinh hoạt điều độ.
  • Để tâm vào những hoạt động làm bạn cảm thấy thoải mái hay cảm thấy mình đạt được những điều gì đó.
  • Tránh ma túy và rượu. Hai thứ này làm trầm cảm nặng hơn. Cả hai đều có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng kèm với thuốc chống trầm cảm.
  • Thường xuyên tập thể dục làm bạn cảm thấy khỏe hơn. Hoạt động thể lực có thể gây ra phản ứng hóa học trong cơ thể giúp cải thiện khí sắc/cảm xúc của bạn. Tập từ 4 đến 6 lần một tuần với ít nhất 30 phút cho mỗi lần tập là một mục tiêu tốt. Tuy nhiên, hoạt động thể lực ít hơn mức này cũng có thể giúp ích.
  • Cân bằng các bữa ăn và các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe.
  • Ngủ đủ.
  • Uống thuốc và/hoặc đi làm tâm lý trị liệu theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Thuốc sẽ không có tác dụng nếu như bạn chỉ uống một lần.
  • Đặt ra một vài mục tiêu nhỏ cho bản thân, bởi vì có thể bạn se có cảm giác mệt mỏi, ít năng lượng.
  • Tự động viên bản thân.
  • Tìm hiểu thông tin về bệnh trầm cảm và cách điều trị.
  • Gọi cho bác sĩ hay trung tâm khủng hoảng tự sát địa phương (có ở Mỹ) ngay khi bạn bắt đầu nghĩ về ý tưởng tự sát.

Không nên:

  • Không nên tự cô lập bản thân. Giữ sự kết nối với những người bạn yêu thương, bạn bè, người khuyên bảo trong tôn giáo, và bác sĩ gia đình của bạn.
  • Đừng tin vào những suy nghĩ tiêu cực của mình như đổ lỗi cho bản thân hay cho rằng mình thất bại. Những suy nghĩ này là một phần của bệnh trầm cảm. Chúng sẽ biến mất khi bạn khỏi bệnh.
  • Đừng cảm thấy có lỗi về bệnh tình của mình. Bạn không gây ra nó.
  • Đừng đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống (như ly thân hay ly hôn). Có thể bạn không suy nghĩ thấu đáo trong khi đang trầm cảm, vì vậy những quyết định đưa ra trong thời gian này có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Nếu buộc phải có một quyết định lớn, nhờ những người bạn tin tưởng để giúp đỡ cho mình.
  • Đừng kì vọng làm mọi việc như bạn có thể làm lúc bình thường. Hãy có một kế hoạch làm việc thực tế.
  • Đừng để chán nản. Nó sẽ kéo dài thời gian trầm cảm. Hãy là chính mình.
  • Đừng bỏ cuộc.

Biến chứng

Tự sát

Người trầm cảm đôi khi có suy nghĩ tự sát. Đó là một biểu hiện thường thấy của trầm cảm. Nếu bạn có những suy nghĩ tự làm tổn thương bản thân, hãy gọi cho một ai đó. Bạn có thể gọi cho bác sĩ, bạn bè, gia đình. Có nhiều người có thể giúp đỡ bạn và trầm cảm có thể được chữa trị thành công.

Hãy hỏi bác sĩ

  • Tôi cảm thấy… Có thể nào tôi bị trầm cảm không?
  • Tôi có cần điều trị không? Những lựa chọn điều trị cho tôi là gì?
  • Tôi có nên gặp chuyên gia tâm lý trị liệu?
  • Những gì tôi có thể làm ở nhà để tự giúp đỡ mình?
  • Có những tổ chức hỗ trợ nào ở địa phương của tôi không?
  • Những nguy cơ và lợi ích khi dùng thuốc chống trầm cảm là gì?
  • Tôi đang mang thai, vậy có nên dùng thuốc chống trầm cảm không?
  • Tôi đang cho con bú, vậy có nên dùng thuốc chống trầm cảm không?
  • Có phải tôi sẽ uống thuốc suốt đời không?
  • Tôi đang chăm sóc cho một người cao tuổi. Tôi phải nói thế nào nếu ông/bà ta bị trầm cảm?
  • Những điều trị nào là an toàn cho người cao tuổi khi có những vấn đề sức khỏe khác, như sa sút trí tuệ?
  • Tôi nên làm gì nếu đang hoặc bắt đầu có suy nghĩ tự sát?

Nguồn: https://familydoctor.org/condition/depression/ 

Người dịch: BS. Võ Hùng Chí

Tự kiểm tra nguy cơ trầm cảm của mình bằng thang Beck (BDI), PHQ-9.